Quê ở Tiền Giang, tôi đến TP.HCM làm công nhân từ năm 18 tuổi. Tôi phải bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình.
Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Bố tôi làm bốc vác tại nhà máy xay xát gạo. Mỗi ngày, ông phải đạp xe hơn 20km để đến chỗ làm mà lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mẹ tôi ở nhà lo cơm nước, hết việc thì sang vựa mít lột mít thuê. Lương lột mít cũng chỉ ba cọc ba đồng, chẳng đáng kể.
Mẹ tôi từng gặp tai nạn giao thông, sức khỏe không ổn định, còn bố tôi bị gai cột sống do phải khuân vác nhiều.
Tôi luôn hy vọng bản thân có việc làm ổn định, lo được cho bố mẹ. Thế nhưng, lương công nhân chẳng đáng bao nhiêu. Dù cố chắt chiu từng đồng nhưng mỗi tháng, tôi cũng chỉ gửi về giúp bố mẹ được 1-2 triệu đồng.
Sau mấy năm bươn chải ở TP.HCM, tôi dự định về quê tìm kế mưu sinh khác. Tuy nhiên, việc gặp gỡ người chồng hiện tại khiến tôi thay đổi quyết định.
Gia cảnh của chồng tôi rất giàu có. Bố mẹ anh vừa bán đất, có tài sản hơn chục tỷ đồng. Dù nhà có tiền nhưng anh chỉ học hết lớp 12, không thi đại học. Thấy anh nhàn rỗi, bố mẹ bắt anh đi làm công nhân.
Anh đi làm bằng xe SH, mặc quần áo đồ hiệu, suốt ngày bao đồng nghiệp uống nước, ăn vặt.
Lúc đầu, tôi không có thiện cảm với anh. Tôi nghĩ anh chỉ biết chơi bời, không chí thú làm ăn. Tuy nhiên, khi thấy anh quen với nữ đồng nghiệp trong công ty, lòng tôi lại thấy khó chịu.
Mỗi lần thấy anh chở người yêu bằng xe SH, tôi đều thấy không cam tâm, có chút ganh tỵ. Bẵng đi vài tháng, tôi biết tin anh và bạn gái chia tay, nghe đâu cô ấy “bắt cá hai tay”.
Sau khi chia tay bạn gái, tôi thấy anh tiều tụy khá nhiều. Không ngờ, một người có điều kiện kinh tế như anh lại lụy tình đến thế.
Thương anh, tôi và các đồng nghiệp khác có động viên, rủ anh đi chơi cho đỡ buồn. Cũng nhờ vậy, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều và hiểu nhau hơn.
Chỉ khoảng 3 tháng sau đó, anh ngỏ lời thương tôi và mong sớm tính chuyện cưới xin. Lúc này, tình cảm của tôi dành cho anh cũng chỉ dừng lại ở mức thấy thương và tội nghiệp.
Tuy nhiên, anh nói nếu tôi đồng ý kết hôn thì anh sẽ cùng tôi lo lắng cho bố mẹ vợ. Anh còn hứa xây nhà mới, mua xe máy cho bố tôi…
Lúc đó, các đồng nghiệp biết chuyện đều hối thúc tôi đồng ý. Họ bảo lấy được chồng giàu không phải làm lụng vất vả, lại lo được cho bố mẹ.
Sau cưới, chồng nói tôi ở nhà lo cơm nước, chăm sóc bố mẹ chồng, không cần phải đi làm. Tôi cũng chiều theo ý anh nhưng với điều kiện mỗi tháng anh đưa tôi tiền gửi về quê cho bố mẹ.
Tháng đầu tiên, anh đưa hẳn 3 triệu đồng để gửi về cho bố mẹ tôi. Tôi khấp khởi mừng, rồi nhân tiện nhắc chuyện mua xe máy cho bố. Anh nói tôi an tâm, từ từ anh lo hết.
Thế nhưng, bố mẹ chồng biết chuyện anh gửi tiền cho nhà vợ thì nổi xung thiên, mạt sát tôi đủ điều. Ông bà cấm tiệt anh tiêu xài hoang phí, nuôi vợ còn nuôi thêm bố mẹ vợ thì tiền núi cũng không đủ.
Tôi buồn lắm nhưng nghĩ nếu chồng thương mình thì sẽ tìm cách giúp đỡ thôi. Tuy nhiên, sau lần đó, anh không nhắc đến chuyện đưa tiền hay mua xe máy cho nhà vợ nữa.
Tôi định bụng sẽ đi làm lại để lo cho bố mẹ ở quê. Thế nhưng, trong một lần đi chợ về, tôi nghe được câu chuyện giữa anh và mẹ chồng ở nhà bếp. Tôi thấy thật đau đớn và chua chát.
“Mẹ cứ phải làm căng lên, chửi con nhiều vào, bảo cắt lương tháng của con. Có như vậy, vợ con mới không léo nhéo chuyện gửi tiền về quê. Lúc trước, mẹ cứ hối con lấy vợ, sinh cháu, bây giờ có thấy hối hận không?”, từng lời của chồng khiến tôi uất ức.
Chẳng lẽ, tôi lại ly hôn chỉ sau 2 tháng kết hôn?
Độc giả N.T