Đến khám tại Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh, Hà Nội, chị N.T.C (27 tuổi, trú tại Nghệ An) được bác sĩ chỉ định nội soi. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tổn thương ở dạ dày, nghi ngờ mắc ung thư. Sau đó, kết quả giải phẫu bệnh và chụp cắt lớp vi tính khẳng định chị C, bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Cầm kết quả trên tay, C. và mẹ đều "không tin vào tai mình". Mẹ cô liên tục hỏi bác sĩ xem lại kết quả, liệu "có sai sót hay không?".
Trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày mạn tính nhưng chỉ mua thuốc về điều trị tại nhà khi có triệu chứng đau.
Đối với trường hợp này, thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Khoa Nội soi và thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết bệnh nhân không thể phẫu thuật vì ung thư đã di căn xa, chỉ hóa trị để kéo dài sự sống.
Theo bác sĩ Thành, ung thư dạ dày là bệnh hay gặp cả ở nam và nữ. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp ở nước ta. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong vì căn bệnh này. Bệnh có thể được phát hiện sớm nhưng tại Bệnh viện K, nhiều người vào viện đã ở giai đoạn muộn, ung thư đã xâm lấn các mô ở gần và di căn xa.
Bác sĩ Thành cho biết các nguyên nhân ung thư dạ dày gồm:
- Người có các bệnh lý dạ dày liên quan tới tiền ung thư do di truyền, yếu tố môi trường như viêm dạ dày mạn tính kéo dài, các biến đổi dị sản, loạn sản từ nhẹ tới nặng.
- Vi khuẩn HP, đây được coi là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Vi khuẩn này gây viêm teo niêm mạc dạ dày gây ung thư. Tuy nhiên, bác sĩ Thành nhấn mạnh không phải ai nhiễm vi khuẩn HP đều có nguy cơ ung thư.
- Thói quen sinh hoạt như ăn các loại thịt muối, cá muối, hun khói, các đồ lên men tăng nguy cơ ung thư.
- Những người có cha mẹ, anh, chị em mắc ung thư dạ dày thì người đó có nguy cơ mắc cao hơn người bình thường.
Dấu hiệu của bệnh
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày giống với dấu hiệu viêm dạ dày thông thường. Vì vậy, người bệnh thường chủ quan không đi kiểm tra dẫn tới bỏ qua giai đoạn sớm nhất của bệnh. Các dấu hiệu bạn cần đi khám ngay:
- Sụt cân người bệnh có thể sụt cân nhanh chóng, giảm tới 15 % trọng lượng cơ thể nhất là giai đoạn tiến triển.
- Đau bụng, triệu chứng này xuất hiện khi tế bào ung thư đã xâm nhập vào các lớp niêm mạc của dạ dày.
- Chán ăn thường gặp nhất, bênh nhân cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn sau ăn. Một số người nôn ra máu, đại tiện phân đen.
Ung thư dạ dày có 5 giai đoạn từ 0 đến 4.
Gia đoạn 0: Đây là giai đoạn vàng để điều trị. Các tế bào ung thư mới chỉ ở trên niêm mạc dạ dày. Bệnh nhân chỉ cần cắt tách dưới niêm mạc, không cần can thiệp hóa, xạ trị.
Giai đoạn 1: Bệnh đã xâm nhấp và lớp thứ 2 của dạ dày, chưa có triệu chứng rõ rệt, chưa lây lan sang cơ quan khác.
Giai đoạn 2: Tế bào ung thư qua lớp niêm mạc, xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn.
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư lan rộng ra các cơ quan khác.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư di căn ra các bộ phận xa của cơ thể, cơ hội chữa trị gần như không còn.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân được điều trị dễ dàng và không tốn kém. Để phát hiện được ở giai đoạn sớm, bác sĩ Thành cho biết cách tốt nhất là sàng lọc bệnh qua nội soi hàng năm cho các bệnh nhân có nguy cơ. Đến nay, các bệnh nhân ở giai đoạn sớm đều là vô tình phát hiện khi đi khám định kỳ, bệnh chưa có dấu hiệu gì, u chỉ 1-2cm.
Để phòng tránh bệnh, bạn cần duy trì cân nặng lý tưởng, hạn chế bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích, chế độ ăn giàu chất xơ, đủ dinh dưỡng, hạn chế chất béo không tốt, thực phẩm muối cua và chế biến sẵn, khám và tầm soát sử lý triệt để các bệnh về dạ dày như viêm dạ dày, polyp dạ dày.