Trong lịch sử thế giới, các quốc gia Đông Bắc Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và có thể cả Trung Quốc đã làm nên “kỳ tích kinh tế”, “kỳ tích sông Hàn”, “thần kỳ Nhật Bản”. Nếu như các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ phải mất vài trăm năm thì các quốc gia Đông Bắc Á chỉ cần có dăm chục năm để chuyển từ nghèo sang giàu có.
Trong 33 năm qua, Việt Nam cũng đã làm nên “câu chuyện kỳ diệu về kinh tế”, được cả thế giới ghi nhận. Nếu như 1990 Việt Nam là một trong 10
quốc gia nghèo nhất thế giới, với GDP đầu người cỡ 100 USD, thì đến năm 2023, GDP đầu người đã đạt 4,316 USD, cao gấp 35,5 lần (sát ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao), còn GDP quốc gia tăng từ 8,22 tỷ USD lên 433,36 tỷ USD, cao gấp 52,9 lần so với năm 1990, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) thì GDP đạt 1,434 tỷ USD.
33 năm qua, trong số 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đạt được mức tăng trưởng 45 lần - 52 lần, trong khi mức tăng trưởng trung bình của thế giới chỉ có 4,61 lần, của ASEAN là 10,19 lần, của Nam Á là 10,39 lần, của Châu Phi là 4,38 lần. Ngay cả Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore cũng chỉ đạt mức tăng từ 2,35 đến 6,0 lần.
Dù có sự tăng trưởng “kỳ diệu” như vậy, nhưng vẫn chưa đủ để Việt Nam hóa Rồng, chưa đủ để làm nên kỳ tích châu Á tiếp theo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore đã làm trong giai đoạn 1950 - 1990 và cũng chưa tương xứng với vị trí địa chính trị và tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng con người. Rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm tốt hơn thế.
Theo thống kê của WB và IMF, tất cả các con rồng châu Á đều có chung một quy luật tăng trưởng: Số năm tăng trưởng trên 8% cỡ 15 năm đến 26 năm; số năm tăng trưởng cao trên 10% cỡ 10 năm đến 16 năm; trong đó năm tăng trưởng cao nhất cỡ 14% đến 19,3% (tất cả đều ở giai đoạn 1955 - 1990, thời kỳ chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh giữa các siêu cường).
Mặc dù là quốc gia có tăng trưởng top cao nhất thế giới trong giai đoạn 1990 - 2023, nhưng Việt Nam chúng ta chỉ có 13 năm tăng trưởng trên 7% và 8%, năm cao nhất cũng chỉ tăng 9,54%. Như vậy, giai đoạn tăng trưởng cao nhất của Việt Nam vẫn còn thua rất nhiều giai đoạn tăng trưởng cao nhất của các con Rồng châu Á. Vì vậy, có thể nói rằng động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp hơn động lực của các con rồng Châu Á một bậc. Nếu muốn trở thành “kỳ tích châu Á” tiếp theo thì trong thời gian tới, Việt Nam chúng ta phải tạo ra một động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn nữa, tất nhiên cần phải thêm cơ hội đến từ bên ngoài.
Mô hình chung của các con Rồng châu Á là mô hình “kinh tế thị trường có sự can thiệp (điều tiết) của nhà nước” chứ không phải mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu phương Tây như vẫn lầm tưởng. Các con Rồng châu Á thực hiện sự can thiệp của nhà nước vào 3 lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; sản xuất công nghiệp, định hướng xuất khẩu; Các chính sách tài chính hỗ trợ cho nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu.
Đối chiếu với mô hình “kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước”, thấy rõ ràng trong 33 năm qua, Việt Nam đã xây dựng một mô hình phát triển gần tương tự. Thế nhưng có lẽ có nơi, có chỗ quan trọng lại để phát triển tự do quá, ngược lại có những chỗ không cần thiết thì lại can thiệp quá sâu.
Nhìn nhận lại một cách khách quan, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa ở 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, miền núi và người dân tộc thiểu số; Sản xuất công nghiệp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt; Chính sách tài chính hỗ trợ cho nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ thương hiệu Việt ra nước ngoài.
Cơ hội lớn
Việt Nam có nhiều lợi thế để có thể tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn trong giai đoạn 2024 - 2045.
Chiến tranh thương mại Mỹ, Trung, chiến tranh chip và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu (china +1, China Exit) đã tạo ra cơ hội rất lớn cho việc thu hút đầu tư FDI, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực chip bán dẫn và phần mềm, những lĩnh vực phù hợp với tố chất người Việt Nam.
Đây là lĩnh vực không cần nhiều tiền đầu tư, lại có giá trị gia tăng rất cao, cao gấp 7 - 10 lần các lĩnh vực khác. Chẳng hạn năng suất lao động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm hiện đạt từ 30.000 USD đến 40.000 USD người/năm, cao gấp 7 đến 9 lần GDP đầu người của Việt Nam, mỗi năm mang về cho Việt Nam 5 - 6 tỷ USD.
Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, lại thêm Nga và Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện tại, Hàn Quốc không những là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất mà còn coi Việt Nam như một cứ điểm quan trọng của họ ở nước ngoài, không chỉ về sản xuất mà cả nghiên cứu, phát triển (trung tâm nghiên cứu, phát triển của Samsung đặt ở Tây Hồ Tây, Hà Nội) và du lịch (du khách Hàn Quốc chiếm 30% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam). Ở Nhật Bản hiện có đến trên 500 công ty phần mềm Việt Nam đang hoạt động, năm 2023 mang về cho đất nước 1,6 tỷ USD doanh số phần mềm.
Việt Nam chúng ta có nguồn lao động trẻ, đông đảo, đặc biệt là có khát vọng làm giàu mạnh mẽ. Người Việt Nam có khả năng nắm bắt công nghệ mới nhanh, vì vậy chúng ta có cơ hội lớn trong lĩnh vực phần mềm, trí tuệ nhân tạo AI, robotics, bán dẫn và kinh tế số, những công nghệ tương lai của thế giới. Theo các báo cáo công bố, Nhật Bản, Đức, Châu Âu, Australia đang thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật, có tay nghề.
Vì vậy, tôi cho rằng song song với việc giữ quỹ đạo tăng trưởng, chúng ta cần những cải cách mang tính đột phá về thể chế, giải quyết tất cả các nút thắt, tạo ra mô hình phát triển mới, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tạo ra thật nhiều doanh nghiệp Việt mạnh, có sản phẩm và dịch vụ công nghệ đẳng cấp quốc tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đủ sức đón nhận những cơ hội lớn đang mở ra.
Động lực tăng trưởng mạnh hơn
Học tập theo các con Rồng Đông Bắc Á, nhà nước cần can thiệp và điều tiết vào 3 lĩnh vực sau:
Đầu tiên là các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và miền núi, theo hướng kinh tế hộ gia đình, trang trại trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tuần hoàn là chủ đạo, đặc biệt là miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai là can thiệp các chính sách liên quan đến doanh nghiệp sản xuất, định hướng sản xuất ra sản phẩm made in Việt Nam, định hướng xuất khẩu, có thương hiệu trên thị trường toàn cầu, trong đó ưu tiên phần mềm, chip bán dẫn, ô tô điện, ô tô tự lái, máy bay tự lái, tàu thủy, vật liệu xây dựng, kinh tế số.
Thứ ba là can thiệp về các chính sách tài chính, theo hướng tài chính hỗ trợ cho nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu, trọng tâm là lãi suất cho vay phục vụ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp để xuất khẩu, phải thấp hơn lãi suất cho vay bất động sản, thương mại và tiêu dùng.
Nếu chúng ta làm tốt, chắc chắn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, mạnh mẽ hơn, vì vậy cơ hội để Việt Nam có tăng trưởng cao hơn nữa, và cơ hội để trở thành “kỳ tích Châu Á mới”, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 là không hề nhỏ.
Giây phút chuyển sang năm Giáp Thìn tôi nhớ đến nhận định của Tiến sĩ Joe Studwell “Hy vọng mô hình của Việt Nam ít nhất sẽ đạt đến độ thịnh vượng cao hơn tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác”.
Cá nhân tôi tin tưởng rằng đến năm 2045, Việt Nam chúng ta không những trở thành quốc gia giàu có và thịnh vượng mà còn là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến những vấn đề cốt lõi của nhân loại.
Đỗ Cao Bảo
Doanh nhân