Chúng ta ai cũng có “tưởng”, bởi vì tưởng giúp ta nhận diện những gì mình tiếp xúc qua các giác quan. Ví dụ, khi nhìn thấy một bông hoa, tưởng giúp bạn nhận biết đó là hoa hồng, hoa sen hay hoa cúc. Nhưng có khi, chúng ta không chỉ đơn thuần nhận biết sự vật mà còn mang những ý niệm, hình ảnh không có thực vào suy nghĩ của mình, từ đó tạo thành vọng tưởng.
Trong cuốn sách Con đường chuyển hóa, sa môn Thích Pháp Hòa chia sẻ: “Vì chúng ta ai cũng có tưởng - tưởng trong ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tưởng là một trong năm yếu tố làm nên con người đang hoạt động, đang sống của chúng ta đây. Sắc là sắc thân, thọ là cảm thọ, còn tưởng là tưởng tượng, vọng tưởng. Chúng ta thường vọng tưởng nhiều hơn là nhận biết cái chân thật”.
Những gì bạn đã tưởng ấy chưa hẳn là thật, có khi đó chỉ là sự vọng tưởng ở trong tâm bạn. Giống như khi nói “tôi yêu Paris, tôi sẽ hạnh phúc khi được đến với Paris”, ấy chưa hẳn là tình yêu bạn dành cho Paris mà chỉ là sự vọng tưởng - một loại cảm giác thoáng qua, nảy sinh từ khao khát khẳng định bản thân và không muốn thua kém người khác. Chính tâm trạng thiếu hiểu biết và không soi chiếu bản thân đã khiến bạn nhầm tưởng giấc mơ ấy là hạnh phúc.
Như thầy Thích Pháp Hòa đã giảng giải: “Vọng” là đem cái khác vô tâm trí mình, nên Phật mới gọi là vọng tưởng, mà vọng tưởng thì điên đảo. “Điên đảo” có nghĩa là gì? “Điên” là sai, “đảo” là ngược, tức là mình vừa thấy sai, vừa thấy ngược. Mà vừa thấy sai, vừa thấy ngược làm sao thấy được cứu cánh Niết bàn, tức là lẽ thật rốt ráo? Cho nên nếu mình muốn có được sự bình an, sự viên mãn, đừng sống với vọng tưởng.
Nhưng làm thế nào để không sống với vọng tưởng?
Đáp án rất đơn giản, đó là chánh niệm. Nghĩa là sống với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong khi ăn gì, mình biết mình đang ăn cái đó và không đem cái khác vô so sánh, “Sao bữa nay nó mặn hơn hôm qua?”. Cái “hôm qua” đó không thật, nó đã qua rồi, mà nhiều khi mặn có cái ngon của mặn.
“Chánh niệm là trạng thái tĩnh lặng khi chúng ta nhận biết rõ ràng mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống”, Thích Pháp Hòa nhấn mạnh.
Vượt qua vọng tưởng - con đường đến an lạc
Trong xã hội hiện đại, áp lực về công việc, danh vọng và tài chính khiến tâm trí chúng ta dễ bị xáo động, dễ bắt nhầm những tín hiệu sai lầm như “giấc mơ Paris”. Nhưng khi thực hành chánh niệm, bạn sẽ tìm lại được sự an lạc trong những điều bình dị: một hơi thở sâu vào buổi sáng, một bữa cơm ấm áp cùng gia đình, hay nụ cười thân thiện của người bảo vệ ở nơi làm việc.
Nhưng bạn cũng đừng lầm tưởng chỉ cần ngồi thiền hay niệm Phật là sẽ dứt sạch vọng tưởng, tâm hoàn toàn trống trơn. Sự thật là tâm trí của chúng ta không bao giờ trống trơn, hay không có suy nghĩ. Điều chúng ta thật sự cần làm là dẹp bỏ những tạp niệm, vọng niệm không chính đáng, để không còn suy diễn, phiền não.
Như thầy Thích Pháp Hòa đã nói: “Mình không phải là người xưa nay không dính bụi, mà xưa nay mình dính quá xá, bây giờ phải lau chùi. Nhưng chùi một ngày làm sao sạch, nên phải chùi hoài, chùi mỗi ngày, cho đến khi nào mình giống như lúc ban đầu”.
Để không trở thành nạn nhân của vọng tưởng, điều quan trọng là chúng ta cần soi chiếu bản thân mỗi ngày, thực hành chánh niệm mỗi ngày. Đó có thể là việc nhận diện cảm xúc của bản thân, xem rằng mình có thực sự mong muốn điều gì đó, hay chỉ là những vọng tưởng thoáng qua trong đầu mình? Đó có thể là thực hành quán chiếu tâm của mình và tự hỏi “Mình có đang chạy theo người khác?”. Hay chỉ đơn giản là tập trung vào hiện tại, không tiếc nuối quá khứ hay lo sợ về tương lai.
Điều quan trọng không phải là từ bỏ mọi ước mơ hay khát vọng mà là hiểu rõ bản chất của chúng. Bằng cách đó, bạn có thể tự giải thoát khỏi những đau khổ không đáng có và tìm thấy niềm vui thực sự trong cuộc sống.
“Gương bị bụi đóng cứng lâu ngày, lau một lần sao hết được? Mỗi ngày mình cầm khăn lau một chút, lau nhiều ngày thì bụi mới mềm dần, mỏng dần, rồi mới sạch bụi được. Tu cũng giống như vậy, chỉ bằng cách tinh tấn, chúng ta mới chuyển hóa được những tán loạn, hôn trầm của mình” - thầy Thích Pháp Hòa chia sẻ.
Thảo Thảo