Con đường chẳng mấy ai đi cung cấp những công cụ và giải pháp an toàn, thực tiễn và dễ dàng thực hiện, giúp bạn đọc hướng đến một cuộc đời hạnh phúc.
Thông qua quá trình điều trị các bệnh nhân cũng như những trải nghiệm bản thân, bác sĩ M. Scott Peck giúp mọi người thấy rằng để có được một cuộc đời hạnh phúc, nhất thiết phải đạt được sự trưởng thành về tinh thần.
Sách được chia thành bốn phần: Kỷ luật; Tình yêu; Trưởng thành; Tôn giáo và Phước lành.
Qua mỗi trang sách, tác giả khẳng định: “Cuộc đời này rất khó sống”. Tuy vậy, không phải ta chối bỏ, chạy trốn, ngược lại phải đối diện với sự thật. Một khi đã thực sự hiểu và chấp nhận thì việc cuộc sống này có khó khăn hay không sẽ chẳng còn là điều đáng bàn cãi.
Theo bác sĩ M. Scott Peck, thông qua toàn bộ quá trình đối diện và giải quyết các vấn đề cá nhân, con người mới nhận ra cuộc sống có ý nghĩa như thế nào. Ông khẳng định, bản chất của sự cân bằng là “phải biết cách buông bỏ”.
Vị bác sĩ khẳng định, tình yêu là ý muốn mở rộng bản thân nhằm mục đích nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần của chính mình hoặc của người khác. Tình yêu không đến một cách ngẫu nhiên, đây là một hành vi của ý chí - tức vừa là ý định vừa là hành động.
“Yêu thương không phải là một việc dễ dàng. Trái lại, yêu thương là sự nỗ lực". Trước khi mô tả tình yêu thương là gì, tác giả đã khám phá bản chất của tình yêu thương bằng cách xem xét những ngộ nhận về tình yêu.
Cuốn sách cũng đề cập về vô thức. Bác sĩ M. Scott Peck cho rằng vô thức của chúng ta thông tuệ hơn nhiều so với ý thức.
Tác giả nói phước lành có chức năng nuôi dưỡng. Song cơ chế vận hành của phước lành rất khó nắm bắt, hoặc hoàn toàn mơ hồ, nguồn gốc của phước lành nằm ngoài ý thức con người.
Cuốn sách với những ngôn ngữ rất đơn giản, đưa ra nhiều ví dụ từ đời thực và kinh nghiệm trị liệu tâm lý thực tế. Theo đó, mọi điều tác giả nói đều có thể đưa vào cuộc sống, nhưng để áp dụng thì mỗi người cần nỗ lực.