- “Nếu để tới khi con đi du học mới tính chuyện phải trang bị kiến thức giáo dục giới tính, tránh những cú sốc tình cảm cho con thì hoàn toàn ngớ ngẩn” – PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ.
Chia sẻ của du học sinh Mỹ: “Đang ngủ thì thấy giường rung…” khiến nhiều người giật mình.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội – người mẹ có 1 con gái tuổi 20 đang đi du học tại Mỹ, 1 con gái đã tốt nghiệp ĐH trong nước đi làm:
“Nếu để tới khi con đi du học mới tính chuyện phải trang bị kiến thức giáo dục giới tính, tránh những cú sốc tình cảm cho con thì hoàn toàn ngớ ngẩn.
Phụ huynh dù sống cùng con ở một mái nhà cũng không thể mọi lúc bên con. Hãy nhớ thời thiếu niên của chúng ta, thế nào cũng kiếm được chỗ trốn, nhất là hiện nay bọn trẻ học thêm thường đến 21-22h, bố mẹ nào cũng phải đi làm thêm kiếm tiền.
Giáo dục giới tính là việc con cái dù ở đâu bố mẹ cũng phải làm. Tôi thấy cho con ở tỉnh lẻ lên thành phố học không khác cho con đi học nước ngoài học. Thậm chí học xa nhà ở VN rủi ro cao hơn khi ở nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh. |
Nếu chúng ta nghĩ cho con đi học nước ngoài là cạm bẫy sao còn gửi con đi. Thực tế những tấm gương xấu về chuyện này tôi nhìn thấy ở VN nhiều hơn. Nước ngoài họ sống với nhau công khai, bình đẳng. Việc đó ta phải nhìn nhận thẳng thắn là không cấm được, miễn sao đàng hoàng, không để lại hậu quả.
Thanh niên VN tôi thấy họ sống với nhau không an toàn hơn. Nước ngoài thường họ sống với nhau tử tế, có trách nhiệm. Người người trẻ, có học, có đọc sách báo, giao tiếp khi ở VN đi sang họ cũng sống với nhau tử tế.
Với cá nhân, tôi chỉ nghĩ đơn giản là con mình lớn thì phải chuẩn bị các kiến thức giáo dục giới tính cho con. Có nhiều điều khó nói, tôi tìm mua những cuốn sách tốt nhất để thay lời muốn nói với con.
Vào lúc phù hợp mình hỏi con đọc xong nghĩ gì. Có một chuyện vui là con gái tôi khi mẹ đưa cho sách, đọc và hỏi vậy mẹ bật đèn xanh cho con phải không?
Tôi nhẹ nhàng nói nếu hỏi quan điểm, mẹ không muốn thế. Mẹ không quen chuyện đó. Nhưng thế hệ con khác rồi, mẹ phải chấp nhận lựa chọn của con. Mẹ khuyên con chỉ làm chuyện ấy với một người con thật sự yêu và tin tưởng, phải đảm bảo rằng con phải bảo vệ.
Tôi rất tín nhiệm những cuốn như “sex và những thứ khác” của Tâm Phan. Cô ấy nói rất thẳng mọi thứ, như “đừng hi vọng đàn ông mang bao cao su”, tốt nhất nên tự thủ vài cái. Hãy tự lo lấy bản thân mình trước khi có ai đó bảo vệ bạn. Con gái tôi cười, nói nếu có chuyện con sẽ trò chuyện với mẹ.
Việc đưa sách diễn ra khi con tôi lớp 11, lớp 12. Nhưng từ khi con có dấu hiệu hành kinh mẹ đã phải nhắn nhủ từ sau trở đi có những việc con sẽ không được làm hoặc không nên làm như: không để ai sờ vào chỗ này chỗ kia, không đi vào chỗ tối, không nên về nhà muộn, nếu cần thì bố mẹ tới đón,v.v
Tôi đưa sách cho các con đọc và dặn lại nhiều lần rằng mẹ không bao giờ có thể bỏ rơi con. Tôi từng chứng kiến những cô gái lâm vào hoàn cảnh, bị bạn trai bỏ rơi đã đành, nhưng bố mẹ hắt hủi hoặc các bạn không dám nói với gia đình dẫn đến nhiều việc không hay.
Tôi dặn các con chuyện gì cũng có thể nói được với mẹ và mẹ cũng có thể giúp được con. Tôi muốn chắc chắn con không bao giờ tự quyết định, làm sao con nghĩ người đầu tiên con có thể tâm sự đó là mẹ.
Tôi cũng không ngại thì kể với các con ngày xưa mẹ từng điên rồ thế nào như chuyện thú thật với con hồi trước kết hôn mình con nghĩ ngày xưa cưới nhau xong rồi, mọi người mặc quần áo rồi đi ngủ chứ có gì đâu.
Tất nhiên, thực tế không có gì đảm bảo. Con gái út của tôi mới 20 chưa vấn đề gì. Nhưng đọc nhiều tâm sự của các bạn trẻ trên confessions của trường tôi thấy không ít trường hợp rơi vào hoàn cảnh éo le như trên.
Với bố mẹ, tôi chỉ muốn nói đừng bao giờ nghĩ giam giữ con là an toàn, đảm bảo đưa đi đón về, để con trong tầm mắt sẽ là an toàn. Vì nếu 1 lần con bạn thoát khỏi sự an toàn ấy có thể chúng sẽ làm những chuyện điên rồ. Hãy cứ để các con phát triển tự nhiên và trao đổi hàng ngày với chúng".
- Văn Chung (ghi)