Thủ tướng Italia Enrico Letta sẽ tìm mọi cách cứu vãn chính phủ của ông trong 2-3 ngày tới nhưng Italia chắc chắn vẫn chìm sâu trong vòng xoáy hỗn loạn chính trị. 

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}

Thủ tướng Enrico Letta (phải) đang tìm cách đưa Italia thoát khỏi khủng hoảng chính trị sau khi 5 bộ trưởng thuộc đảng của Silvio Berlusconi rút khỏi chính phủ liên minh.

Trong chiến dịch tranh cử mới đây ở Đức, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble nói: "Thế giới sẽ hoan hỉ trước những tín hiệu kinh tế tích cực mà khu vực đồng Euro đang phát đi gần như liên tiếp trong những ngày này". 

Lời bình luận trên đã làm dấy lên một số chỉ trích; sau tất cả, niềm hân hoan ấy chỉ là một chi tiết nhỏ không thích hợp khi một số quốc gia vẫn chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lên tới 50%. 

Những người như Mario Draghi, Chủ Tịch ECB, lại đưa ra một tín hiệu khác: "Tôi rất, rất thận trọng về sự phục hồi", ông nói. "Tôi không thể chia sẻ sự hăng hái đó". Thật khó để biết rõ nhưng một phần sự thận trọng của Draghi có thể bắt nguồn từ chính quê hương Italia của ông. 

Chính trường nước này chưa bao giờ vắng bóng khủng hoảng và đã chứng kiến hơn 60 chính phủ kể từ Thế chiến II. Trong một thời gian dài, các thủ tướng đến rồi lại đi và người ta không còn mấy quan tâm đến thực tế đó nữa. 

Italia là nước lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nước này nợ tổng cộng khoảng 2 nghìn tỷ Euro và là thị trường trái phiếu lớn thứ 3 trên thế giới. Điều đó vẫn tiếp tục bất chấp Cơ chế Bình ổn Châu Âu (Quỹ giải cứu khổng lồ của Eurozone) vì Italia quá lớn để được giải cứu. Nước này vẫn chìm sâu trong suy thoái, cuộc suy thoái lâu nhất kể từ Thế chiến II. 

Cách đây 7 tháng, Italia đã trải qua một chiến dịch bầu cử không đem lại kết quả cuối cùng. Không có người chiến thắng rõ ràng. Tổng thống Giorgio Napolitano, biết rõ rằng các thị trường có thể quay lưng lại với Italia, đã góp sức lập nên một liên minh giữa cánh tả và cánh hữu. Đảng Dân chủ Xã hội đã hợp tác với Đảng Nhân dân Tự do của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. 

Italia đang khát khao cải tổ. Dưới thời Thủ tướng Mario Monti, nước này đã có một nỗ lực nhằm giải phóng thị trường lao động nhưng vẫn còn nhiều cải tổ quyết liệt nữa cần được tiến hành. 

Trên tất cả, Italia cần tăng trưởng. Nền kinh tế nước này ì ạch suốt một thập niên vừa qua và ngập sâu trong những khoản nợ khổng lồ. Ngay từ đầu, liên minh chính phủ mới đã là một cuộc hôn nhân dễ đổ vỡ, hằn sâu những bất đồng chính trị. 

Đã có những thỏa hiệp không dễ dàng và những khác biệt căn bản. Berlusconi và các đồng minh của ông nỗ lực chống lại thuế bất động sản nhưng nếu không có thuế này thì có một lỗ hổng 5 tỷ Euro tài chính cần lấp đầy. Các biện pháp khác, gồm nâng thuế giá trị gia tăng (VAT), cũng được cần đến nếu Italia phải thực hiện các cam kết chi tiêu của mình. 

Dù bất đồng là gì thì Berlusconi dường như cũng hiểu rõ rằng cử tri muốn sự ổn định và không muốn một cuộc bầu cử khác. 

Một mối quan hệ vốn đã căng thẳng lại càng sóng gió khi vào đầu tháng 8, Tòa án Tối cao Italia giữ nguyên phán quyết Berlusconi gian lận thuế. Ông có nguy cơ bị Thượng viện trục xuất, bị quản thúc tại gia một năm và chịu một lệnh cấm nắm giữ các chức vụ công quyền. 

Trong 2 tháng qua, những người ủng hộ Berlusconi đã cố tìm ra cách để né tránh những hình phạt này. Đã có nhiều đe dọa nhằm phá vỡ chính phủ, mặc dù chưa rõ làm như vậy sẽ giúp ích gì cho Berlusconi. Nhưng đã không ít lần chính phủ của Thủ tướng Letta dường như tê liệt. 

Vào cuối tuần trước, ông Letta kết luận rằng không có thêm pháp chế nào có thể được ban hành trừ khi khủng hoảng chính trị được giải quyết. Ông quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Berlusconi không muốn điều đó và yêu cầu 5 bộ trưởng trong đảng mình đồng loạt từ bỏ vị trí của họ trong Nội các, khiến chính phủ liên minh sụp đổ. 

Thủ tướng Letta gọi đó là một "hành động điên rồ" nhằm thỏa mãn các vấn đề cá nhân của Berlusconi. Theo quan điểm của ông, điều đó không liên quan gì đến sự phản đối tăng thuế VAT. 

Tương lai của Italia hiện vẫn chưa biết thế nào. Các bộ trưởng Italia đang thận trọng trước phản ứng từ các thị trường. Một số cho rằng sẽ có một thời kỳ dài bất ổn và sau đó các hãng đánh giá chỉ số tín nhiệm sẽ hạ bậc Italia. 

Tổng thống Giorgio Napolitano tuyên bố ông sẽ chỉ giải tán quốc hội khi không còn cách nào nữa. Ông đang thăm dò xem liệu một liên minh mới có thể được hình thành hay không.

Silvio Berlusconi lại muốn một cuộc bầu cử "càng nhanh càng tốt". Vào sinh nhật lần thứ 77, vị cựu Thủ tướng này dường như quyết tâm đánh cược tương lai của ông vào việc tăng uy tín của mình ở các điểm bầu cử. Nhưng đó là một sự mạo hiểm đầy rủi ro. Ông thậm chí còn đang phải chật vật để giữ vững đảng của mình. Một số các bộ trưởng trong đảng của ông đã phản đối sự sụp đổ liên minh. 

Gần như chắc chắn sẽ có những ngày nỗ lực đạt thỏa thuận và một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Bộ trưởng Lao động Italia Enrico Giovannini nói: "Nếu bất ổn vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến Eurozone thì các quan chức quốc tế có thể gia tăng áp lực lên các quan chức trong nước". 

Đó là một lời cảnh báo, rằng Brussels và Berlin có thể bắt đầu gây sức ép nếu khủng hoảng trở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu. 

Đã nhiều lần dư luận được cho là sẽ chứng kiến hành động cuối cùng trong sự nghiệp của Silvio Berlusconi. Tầm ảnh hưởng chính trị của ông sắp hết và có thể các cử tri không còn muốn mạo hiểm sự ổn định như một phần cuộc chiến chống lại các bản án pháp luật của ông. Nhưng tương lai của Italia một lần nữa vẫn gắn chặt với một vở kịch cá nhân của một người muốn tự nhận là Il Cavaliere.

Tuy nhiên, nếu các thị trường quay lưng lại với Italia thì Berlusconi và các đồng minh của ông có thể sẽ buộc phải thỏa hiệp. 

Thanh Hảo (Theo BBC)