- Mấy bà chị dâu đến tỏ vẻ thương xót, nhặt giúp vài mớ rau, gọt cho ít khoai tây rồi tụ tập một chỗ ngồi “buôn dưa”. Đến bữa ăn, họ hàng khen tôi đảm đang, khéo léo, bố chồng mặt lạnh băng nói, người hậu đậu như tôi nhờ gia đình ông kèm cặp, dạy dỗ mới được như vậy.

Tôi quê ở tỉnh lẻ, bố mẹ tôi làm nông nghiệp, tuy nghèo khó nhưng dạy con rất cẩn thận. Lúc nào cũng động viên hai con gái học hành, phấn đấu. Nhờ vậy, hai chị em tôi đều đỗ vào đại học với số điểm cao.

Ra trường, tôi xin vào công ty sản xuất thực phẩm làm. Tại đây, tôi gặp và yêu chồng mình bây giờ. Anh là trai gốc Hà Nội, tính tình dễ mến, hào phóng, gia đình giàu có, nhà con một. Sau 3 năm hẹn hò chúng tôi quyết định kết hôn.

Trước đây, ông nhiều lần thuê giúp việc, họ ở được vài ngày là xin nghỉ vì không chịu được tính nết của ông. Khi tôi chuẩn bị kết hôn, mấy bà chị dâu bên họ nhà chồng cũng to nhỏ, xì xào “nhắc nhở” tôi nên ở riêng cho thoải mái.Chồng tôi dễ tính bao nhiêu thì bố chồng tôi là người khó tính bấy nhiêu. Ông ăn uống rất cầu toàn, mùa nào thức đó, đặc biệt rất coi trọng lễ tiết, cúng bái.

Lúc đó, mới tiếp xúc tôi chỉ thấy ông rất điềm đạm, chỉn chu lại khéo léo trong giao tiếp chứ không đến mức như các chị dâu nói.

Đám cưới xong, vợ chồng tôi ở cùng bố mẹ chồng. Đây là năm đầu tôi đón Tết nhà chồng nên tôi rất mong đợi, háo hức. Nhưng niềm háo hức đó sớm bị bố chồng dội cho “gáo nước lạnh” khiến tôi hụt hẫng kinh khủng…

Khi còn 2 tuần nữa là đến Tết, ông đưa tôi một danh sách các việc cần làm, những đồ cần mua. Ông tuyên bố, việc sắm sửa, dọn dẹp ở nhà giao hết cho tôi. Nhìn danh sách đó tôi thầm ngán ngẩm trong lòng.

Trong bản danh sách việc nhà ông liệt kê từ việc quét mạng nhện, cọ nhà vệ sinh đến việc giặt giũ toàn bộ chăn ga gối cho cả gia đình… Những việc này, bình thường tôi không ngại nhưng khổ nỗi, cuối năm công ty tôi càng nhiều việc, hôm nào cũng phải 7, 8 giờ tối tôi mới về nhà vì vậy chẳng có thời gian rảnh rỗi để dọn dẹp.

Tôi đề nghị với bố chồng, mình sẽ thuê giúp việc theo giờ để đỡ vất vả nhưng ông gạt phắt đi, nói nếu tôi ngại làm thì ông tự làm.

Thấy bố chồng như vậy, tôi đành im lặng, cặm cụi dọp dẹp một mình suốt một tuần mới xong. Tôi nhờ chồng giúp cho việc này việc kia ông tỏ ý không hài lòng. Ông bảo, việc nhà là của đàn bà và cấm chồng tôi động tay vào. Chồng tôi sợ bố, không dám cãi nửa lời, chỉ biết động viên vợ nhẫn nhịn cho êm ấm nhà cửa.

Tiếp đến là việc mua sắm Tết, biếu xén họ hàng, tổng thu nhập 2 vợ chồng tôi cũng chỉ được 20 triệu nhưng chi phí cho Tết gia đình mà bố chồng đưa ra phải gấp đôi số đó.

Nghĩ mình nói chưa chắc bố chồng thông cảm, tối hôm ấy tôi mang chuyện đó ra than thở với chồng. Chẳng biết chồng tôi sang tâm sự gì mà hôm sau ông thái độ với tôi ra mặt. Tôi động tay làm gì cũng bị ông săm soi, mắng con dâu vụng về. Có lúc ông còn nặng lời nói bố mẹ tôi không biết dạy dỗ nên tôi không làm nổi việc gì cho ra hồn. Nghe ông  nói như vậy tôi vừa ức vừa tủi thân, nước mắt trào ra tức tưởi.

Bình thường tôi thấy người ta hay nói mẹ chồng ghê gớm với con dâu chứ ai ngờ bố chồng tôi còn ghê gớm hơn vậy.  

Cuối tuần, tôi được nghỉ, hẹn chồng về quê thăm bố mẹ đẻ vì từ ngày cưới tôi chưa về thăm nhà lần nào. Hai vợ chồng vừa dắt xe ra khỏi cửa, bố chồng gọi lại mắng xối xả, bảo việc nhà cửa Tết nhất chưa xong, vợ chồng tôi còn bỏ đi chơi, chồng tôi đành quay xe lại.

Ngày 20 tháng Chạp là ngày giỗ ông nội chồng, các chú thím sang nhà gặp bố chồng tôi bàn bạc, lên kế hoạch làm cỗ. Bất ngờ, ông thông báo năm nay các chú thím chỉ sang phụ việc sắm sửa, bày biện ban thờ còn mọi việc đã có tôi quán xuyến.

Nghe bố chồng nói tôi rụng rời chân tay, nhà chồng tôi đông con cháu, giỗ ông nội chồng mọi người dù ở xa mấy cũng tề tựu đông đủ. Tính sơ cũng tầm 20 mâm cỗ mà ông phó thác hết cho tôi làm.

Ngày giỗ, tôi biết ý, xin cơ quan nghỉ 2 ngày ở nhà để tập trung chuẩn bị cho tươm tất, tôi loay hoay với trăm thứ việc không tên. Trong khi mọi người ngồi trên nhà uống nước, cười nói vui vẻ, tôi thì quần áo lem luốc mùi dầu mỡ, tóc tai bết dính, làm luôn chân luôn tay.

Mấy bà chị dâu đến tỏ vẻ thương xót, nhặt giúp vài mớ rau, gọt cho ít khoai tây rồi tụ tập một chỗ ngồi “buôn dưa”. Đến bữa ăn, họ hàng khen tôi đảm đang, khéo léo, bố chồng mặt lạnh băng nói, người hậu đậu như tôi nhờ  gia đình ông  kèm cặp, dạy dỗ mới được như vậy.

Tôi vừa bực vừa buồn, lấy cớ ốm nghén, bỏ vào phòng nằm khóc. Cả bữa ăn, chẳng ai thèm hỏi han xem tôi làm sao, vô tâm ngồi ăn uống, cười nói linh đình.

Đến lúc mọi người ra về hết, mẹ chồng mới gõ cửa gọi tôi ra dọn. Trước mắt tôi là bãi “chiến trường” ngổn ngang, bát đĩa vứt tứ tung trên sàn bếp, rác rưởi ngập ngụa. Hôm đó, phải đến khuya tôi mới rửa xong đống bát đĩa.

Bố mẹ tôi ở quê lên thăm, mẹ chồng đi chùa, bố chồng tôi ngồi trên nhà không thèm xuống tiếp. Mấy chai nước tương bố mẹ tôi tự làm mang biếu thông gia, ông bắt vứt đi. Ông bảo mùi nước tương ông không ăn được. 

Trước cư xử của bố chồng, tôi mệt mỏi và thất vọng vô cùng. Nhân một lần bố chồng đi vắng, tôi định gặp mẹ chồng tâm sự, chưa kịp gõ cửa tôi nghe thấy tiếng bà rì rầm nói chuyện với con trai. Tôi chết điếng khi biết sự thật về thái độ của bố chồng với tôi bấy lâu nay.

Bà nói, ngay từ đầu bố chồng không ưng tôi về làm dâu, ông dè bỉu xuất thân nghèo khó của tôi, cho rằng tôi không xứng đáng với gia đình danh giá của mình. Ông cho rằng tôi lấy con trai ông vì hộ khẩu thành phố và số gia tài kếch xù mà thôi.

Tôi bỏ về phòng, lòng uất nghẹn trước những gì vừa nghe được. Năm đầu tôi về nhà chồng, những tưởng sẽ được đón một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc vậy mà chỉ nhận lại tủi hờn và nước mắt...

Mời độc giả gửi bài viết chia sẻ về Lần đầu ăn Tết nhà chồng - nhà vợ về hòm thư điện tử: [email protected]. Những bài viết phù hợp sẽ được đăng tải và nhận nhuận bút từ tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 

Chuyện ít biết về quán ăn hơn 100 năm ở Bình Thuận

Chuyện ít biết về quán ăn hơn 100 năm ở Bình Thuận

Phan Thiết từ xa xưa đã có nhiều sản vật, công trình, cơ sở nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc tồn tại đến ngày nay. Nam Thạnh Lầu, Kim Sơn Lầu là hai trong số những niềm tự hào của người Phan Thiết (Bình Thuận).

Hà An (Hà Nội)