- Sau phản ánh việc hàng trăm hộ dân lấn sông dựng nhà ở phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại đã có trao đổi.
Ông Đại thông tin: Sở NN&PTNT có chức năng quản lý về đê điều, quản lý đê từ cấp 1 đến cấp 3. Khu vực sông Ngũ Huyện Khê theo phân cấp đê điều là dưới cấp 3 nên theo quy định thì trách nhiệm xử lý chính thuộc về UBND thị xã Từ Sơn. Sở chỉ có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với địa phương tìm hướng xử lý.
Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Kinh tế nông thôn |
"Thời gian qua Sở có nhận được văn bản của địa phương về việc muốn phân định mốc giới hành lang đê điều tại khu vực sông bị lấn chiếm. Chúng tôi đã có văn bản gửi Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) xin phân cấp đê ở sông Ngũ Huyện Khê và đang chờ Tổng cục xem xét.
Đồng thời, trong phạm vi của mình, hàng năm Sở vẫn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tu bổ đê điều, như cứng hóa mặt đê, kè lại bờ sông, đặc biệt ở những khu vực xung yếu của sông Ngũ Huyện Khê"- ông Nguyễn Văn Đại thông tin.
Các công trình lấn sông tồn tại từ lâu
Giám đốc Sở khẳng định: Các công trình lấn sông hầu hết là xây dựng trái phép. Việc phân định mốc giới bây giờ rất khó thực hiện, nguyên nhân chính do việc quản lý của địa phương từ ngày xưa.
"Nếu khi mới hình thành mà chính quyền địa phương xử lý ngay thì sẽ không để tình trạng như bây giờ"- lời ông Đại.
Xây nhà lấn ra sông Ngũ Huyện Khê cả chục mét |
Ông Đại cho hay: Các công trình lấn sông tồn tại từ lâu, hiện nay khu vực lấn ra sông đã hình thành cộng đồng dân cư sinh sống, việc giải quyết cần làm từng bước sao cho hợp lý.
"Trước mắt, chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý, phát hiện công trình nào mới phải lập biên bản xử lý ngay, không để phát sinh thêm; song song với đó là quy hoạch một khu tái định cư rồi tiến hành di dân ra, trả lại nguyên trạng cho dòng sông"- ông Đại nêu giải pháp.
Về đánh giá tác động hành lang đê điều đoạn chảy qua phường Châu Khê, ông Đại cho biết: Khả năng thoát lũ của sông này được điều tiết bởi hai cống gồm Long Cửu và cống Đặng Xá, mùa lũ có nhiệm vụ thoát nước ra sông Cầu; mùa khô trữ nước tưới tiêu nước cho canh tác nông nghiệp.
"Để đánh giá tất cả tác động cụ thể đến khu vực đang bị lấn chiếm thì cần phải có dự án tổng thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dự án tổng thể nào. Trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp với địa phương bàn chi tiết về dự án này" - ông Đại thông tin.
Trách nhiệm chính do UBND thị xã Từ Sơn
Ông Đàm Phương Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói, toàn tỉnh Bắc Ninh có 7 hạt quản lý đê điều, trực thuộc Chi cục, riêng thị xã Từ Sơn thuộc đê cấp 4 nên không có Hạt quản lý. Do vậy thị xã Từ Sơn chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý công trình vi phạm hành lang đê điều.
Các hộ dân sinh sống ở đây từ rất lâu nên khó xử lý vi phạm |
Trước việc UBND phường Châu Khê muốn có mốc giới hành lang đê điều để 'hợp thức hóa' phần diện tích lấn chiếm ra sông, ông Đàm Phương Bắc nói: “Tất cả những công trình người dân xây lấn ra phía sông, ảnh hưởng đến dòng chảy mà không được chính quyền cấp phép là sai quy định, khi xử lý không cần tính đến giải pháp phân định mốc giới”.
Ngoài ra, ông Bắc cho biết: “Trách nhiệm chính trong giải quyết các trường hợp lấn ra sông là do UBND thị xã Từ Sơn. Chi cục có trách nhiệm gửi văn bản đôn đốc chính quyền địa phương xử lý sai phạm phát sinh mới liên quan đến hành lang đê điều".
Về phía thị xã Từ Sơn, ông Mẫn Văn Sáu, Phó trưởng phòng Kinh tế phụ trách đê điều cho hay: "Do đến nay tỉnh chưa ra được quy định về dòng thoát lũ, chưa có đánh giá tác động của lưu vực sông chảy qua, hơn nữa vì đã trải qua nhiều năm nên rất khó khăn trong việc xử lý".
"Chúng tôi đang phân loại các công trình cũ và mới phát sinh. Công trình cũ sẽ tập hợp danh sách để báo cáo lên cấp trên, còn công trình mới sẽ lập biên bản xử lý vi phạm"- ông Sáu cho biết.
Bắc Ninh: Hàng trăm hộ dân lấn sông dựng nhà
Sông Ngũ Huyện Khê đoạn qua phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh bị hàng trăm hộ dân lấn ra xây nhà.
Ngang nhiên 'nhảy dù' lấp sông Hồng dựng nhà
Người dân tổ 13a (đường Bạch Đằng) phản ảnh thực trạng lấp sông Hồng để làm nhà trái phép xảy ra tại đây trong một thời gian dài.
Đoàn Bổng