- Tôi lấy chồng năm 1997 và chuyển từ tỉnh lẻ lên sống với gia đình chồng tại Hà Nội. Năm 2007, chồng tôi mất đột ngột do tai nạn giao thông. Tôi ở vậy nuôi con trai khôn lớn và chăm sóc bố mẹ chồng.
Nay con tôi cũng trưởng thành, tôi quen biết một người đàn ông đứng tuổi, tử tế và muốn kết hôn, nhưng gia đình chồng tôi nói rằng nếu tôi tái giá thì cả 2 mẹ con sẽ không được hưởng tài sản thừa kế của gia đình này.
Tôi không tham tiền của nhà chồng nhưng còn con trai tôi năm nay 18 tuổi, cuộc sống trước mắt còn nhiều điều phải lo lắng. Xin hỏi luật sư nếu tôi tái giá thì con tôi có được hưởng tài sản thừa kế của ông bà nội không? Cảm ơn luật sư.
Tôi không tham tiền nhưng cuộc sống con tôi còn nhiều điều lo lắng (Ảnh minh họa) |
Điều 197 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Căn cứ quy định đó, cha, mẹ chồng có quyền lập di chúc để thừa kế tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Trong các hình thức di chúc bằng văn bản, có loại di chúc bằng văn bản có chứng thực do người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn chứng thực.
Theo khoản 1, Điều 667, Điều 668 Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm người để thừa kế chết). Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Nếu di chúc hợp pháp, vào thời điểm di chúc có hiệu lực mà bố mẹ chồng bạn có con chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, thì mặc dù họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản, nhưng theo quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự, người con đó vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản của người cha được chia theo pháp luật.
Trong trường hợp không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm người có di sản chết và người thừa kế theo pháp luật được xác định theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại…”
Chồng bạn mất thì phần di sản thừa kế mà chồng bạn được hưởng nếu còn sống từ bố mẹ được chia theo pháp luật cho những thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn, trong đó có con bạn. Điều 677 Thừa kế thế vị:
“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc