Theo SCMP, Bắc Kinh vốn không thích lập trường cứng rắn với nước này của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông lãnh đạo Nhà Trắng hai năm về trước. Dù vậy, suốt hơn một năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn ở thế phòng thủ để giữ cho các cuộc đàm phán thương mại có thể diễn ra suôn sẻ. Bởi họ luôn lo sợ rằng, những căng thẳng thương mại sẽ dẫn tới một cuộc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới.

Nhưng tình hình thay đổi kể từ hôm 10/5, khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 11 kết thúc ở Washington mà không đạt được kết quả, dù hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận. Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc trong mấy tuần nay liên tục đổ lỗi cho Mỹ gây ra bế tắc trong đàm phán, chỉ trích chính quyền ông Trump liên tục đưa ra những yêu sách mới.

{keywords}
Thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra hết sức căng thẳng. Ảnh: chinaimportal

Các nhà phân tích nhận xét, cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc này cho thấy những thách thức ngày càng đè nặng lên giới lãnh đạo Trung Quốc, khi quan hệ chính trị và kinh tế xấu đi với Mỹ đang làm người dân Trung Quốc trong và ngoài nước cảm thấy lo lắng.

“Rõ ràng là giọng điệu của Trung Quốc đã thay đổi. Trước đây, họ có vẻ khó chịu nhưng vẫn tỏ vẻ kiên nhẫn với chính phủ Mỹ. Những căng thẳng hiện nay lẽ ra không xuất hiện nếu lòng tin giữa hai bên không xói mòn nghiêm trọng”, ông George Magnus, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Oxford cho biết.

Cụ thể từ hôm 11/5, tờ Nhật báo Nhân dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng gần 24 bài bình luận nhằm lên án Mỹ là “kẻ bắt nạt kinh tế” và thay đổi lập trường trong cuộc đàm phán thương mại. Ngoài việc chiếu những bộ phim chống Mỹ và phim tài liệu từ nhiều năm về trước, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng kêu gọi tinh thần dân tộc trong các bản tin giờ vàng.

Ông Chen Daoyin, một nhà phân tích tại Thượng Hải nhận định, sự thay đổi giọng điệu của Bắc Kinh cho thấy áp lực lớn phải làm rõ cho công chúng về lý do về cuộc đàm phán thương mại kéo dài nhiều tháng không mang lại kết quả gì.

“Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng họ nợ người dân trong nước và quốc tế một lời giải thích về việc ai đáng bị lên án khi gây ra đổ vỡ trong đàm phán thương mại. Chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ cho thấy, Bắc Kinh muốn nói rằng họ có những quan điểm đúng đắn hơn Mỹ và họ muốn dùng việc này để tạo ra sức ép lên chính quyền Washington”, ông Chen nói.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 5 đã gọi sự leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ là “một cuộc chiến của nhân dân”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy chỉ trích Mỹ là “khủng bố kinh tế” và “thảm sát kinh tế” trong một cuộc họp báo mấy tuần trước.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy tố Mỹ là “khủng bố kinh tế”. Ảnh: china-embassy

Tuy nhiên, có một số người lại thấy những biện pháp tuyên truyền trên không mang lại kết quả gì, thậm chí còn phản tác dụng. Cụ thể ông Huang Jing, một giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc ít khả năng hưởng lợi từ chiến dịch tuyên truyền này vì nó có thể khiến mối quan hệ ngoại giao trở nên tồi tệ hơn.

“Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi có thể dễ dàng gây phản tác dụng, việc kêu gọi dân chúng sẽ chỉ khiến việc ra quyết định khó khăn hơn, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc thỏa hiệp và nhượng bộ nếu họ muốn nối lại các cuộc đàm phán thương mại”, ông Huang nhận định.

“Có nhiều quốc gia vốn cảnh giác với chính sách đối ngoại của Trung Quốc và sẽ cảm thấy có những mối đe dọa rõ ràng từ lập trường mới của họ”, ông Magnus nói.

{keywords}
Chủ nghĩa dân tộc có thể là con dao hai lưỡi với Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Bà Yun Sun, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, bày tỏ lo ngại rằng việc khơi dậy tâm lý chống Mỹ sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật cuối tháng 6 này.

“Việc khuấy động chủ nghĩa dân tộc sẽ không giúp ích gì cho mặt trận thương mại, nhưng nó sẽ cho người Mỹ thấy mức độ chính quyền Bắc Kinh được người dân trong nước ủng hộ. Và dù Mỹ không lùi bước, Trung Quốc ít nhất vẫn giữ được sự ủng hộ trong nước”, bà nói.

Theo bà Sun, vì Trung Quốc đã kêu gọi sự ủng hộ trong nước nên họ đã tự tạo thế khó cho mình khi muốn quay trở lại các cuộc đàm phán.

“Trừ khi Mỹ giảm bớt những yêu cầu của mình, Bắc Kinh sẽ không thể nhượng bộ để hai bên cùng đạt được thỏa thuận. Nhưng không nhiều người nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra. Hội nghị G20 ở Osaka có thể là niềm hy vọng tốt nhất để đạt được thỏa thuận nhưng khả năng điều đó trở thành hiện thực không cao”, bà nói.

Tuấn Trần