Hôm nay con đến trường, cậu bạn thân quàng vai con thủ thỉ: “Đừng buồn nữa, rồi tất cả sẽ qua thôi. Thà là họ bỏ nhau còn hơn cứ như bố mẹ tớ. Nhiều khi tớ còn chẳng muốn về nhà”. Nhưng con thú thật, con không buồn nhiều như cậu ấy nghĩ.
Những tháng ngày ấm êm hạnh phúc của gia đình chúng ta, nó đã diễn ra lâu lắm rồi. Con không nhớ nó bắt đầu kết thúc từ khi nào, hình như là khi con bước vào lớp hai. Những bữa cơm vắng bố, những cuộc tranh cãi nhỏ to. Những lời xin lỗi, trách móc. Những bực bội và cả những dòng nước mắt. Con đã chứng kiến tất cả những điều đó, mặc nhiên xem như một phần của cuộc đời mình. Chỉ có bố mẹ là không biết, vẫn nói cười trước mặt con.
Một lần nào đó rất lâu rồi, bà ngoại nói với con: “Con có muốn giữ bố lại cho mẹ con không? Con phải quấn quýt bố vào, mỗi chiều phải gọi điện giục bố về nhà sớm, phải đòi bố mẹ cùng đưa con đi chơi. Nếu không, bố sẽ đi theo người khác đấy”.
Chẳng có điều gì khủng khiếp hơn thế. Bởi con đã từng chứng kiến cô bạn gái lớp con bị bố mẹ giành nhau đón ở cổng trường. Họ không sống chung với nhau. Và mỗi buổi tan trường, họ đều đến sớm để đón con về trước. Con hoàn toàn không muốn như vậy, cảm thấy vô cùng sợ hãi.
Nhưng con lại chẳng thể làm gì cả. Điều con có thể làm để khiến bố mẹ không rời bỏ nhau chính là “vì con còn nhỏ”. Vì con còn nhỏ nên bố mẹ cần thời gian để con lớn lên, để con hiểu chuyện, để con đỡ thiệt thòi. Con cũng chưa đủ lớn để nhận ra rằng: Thứ trọn vẹn mà bố mẹ đang tạo ra cho con lại đánh đổi bằng sự chịu đựng lẫn nhau. Con chỉ thấy may mắn vì mỗi ngày vẫn thấy bố mẹ ở chung nhà, và con không bị ai giành giật.
Nhưng con không thể nhỏ mãi, con đã dần lớn lên. Bố mẹ ít cãi vã hơn, nhưng không có nghĩa là đã yêu thương nhiều lại. Bố đã từng nói với mẹ: “Chúng ta có thể xem xét lại chuyện chúng ta không? Hãy cho anh cơ hội. Anh sẽ bù đắp cho em”. Nhưng mẹ chỉ đáp lại bằng những dửng dưng vô cảm: “Tôi không còn cơ hội để cho anh nữa. Anh đã phung phí nó hết rồi. Tôi đã nói tôi đợi con lớn để nó có thể chấp nhận được chuyện này”.
Hôm đó là sinh nhật lần thứ 16 của con. Bố công tác xa không kịp về. Chỉ có hai mẹ con trong căn nhà vắng bố quen thuộc. Mẹ nhìn con âu yếm:
- Chúc mừng sinh nhật con trai!
- Mẹ thấy con đã lớn chưa?
- Con lớn rồi, cao bằng mẹ rồi.
- Nếu con đã lớn rồi thì mẹ hãy làm những điều mẹ muốn đi.
Mẹ nhìn con, đôi mày nhíu lại. Bao lâu nay mẹ vẫn tỏ ra mình là người hạnh phúc trước mặt con. Nhưng con không còn là đứa trẻ, con đủ lớn để nhận ra nỗi đau này. Sống với một người mình không còn tôn trọng, không còn tin tưởng thật khó biết bao. Mẹ ôm con, và mẹ khóc. Giọt nước mắt không hề giấu giếm.
Khi bố xách va ly rời khỏi nhà, bà ngoại đã nói với mẹ rằng: “Ở ngoài xã hội con là một người phụ nữ thành công. Nhưng về hôn nhân, con là một kẻ cố chấp và thất bại, hoàn toàn thất bại”. Mẹ không nói gì, chỉ im lặng.
Nhưng, mẹ đã vui hơn, niềm vui không phải gượng gạo giả vờ. Con nhận ra điều đó. Không phải con không thương bố. Nhưng con tin bố cũng chẳng hạnh phúc gì. Nếu chúng ta có thể bắt đầu thì tại sao lại không thể kết thúc khi lưng chừng ở giữa chỉ là những trống hoác lạnh lùng.
Khi con lên 9 tuổi, mẹ hỏi con ước điều gì. Con nói đó là bí mật của con. Nhưng giờ con có thể tiết lộ với mẹ rằng: Năm đó con ước mình đừng nhỏ nữa, mình hãy lớn thật nhanh để mẹ có thể làm điều mà mẹ muốn: Ly hôn!
Đừng bao giờ hỏi con: 'Xin lỗi chưa?'
Gần đây tôi tham dự một bữa tiệc sinh nhật của bé 4 tuổi, đông trẻ con tới nỗi có thể khiến ngay cả những bậc cha mẹ giàu kinh nghiệm nhất cũng phải hoảng sợ.
Theo Dân trí