- Rất nhiều nhớ thương, thao thức nhưng người phụ nữ đã ngoài ngũ tuần vẫn bình tâm nhắn nhủ: “Các con cứ hiên ngang, vững vàng giữ lấy biển đảo. Bố mẹ, vợ con vẫn đang đợi tin ở quê nhà!”

Nhớ thương đau đáu

Trưa tháng 5, đường làng Thái Bình, Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) chất đầy rơm rạ, nắng gắt chiếu vào tận thềm nhà. Nghe tiếng chó sủa, bà Tuất chộn rộn ra mở cổng.

Bà Nguyễn Thị Tuất là mẹ của Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển (SN 1989), Cảnh sát biển Vùng 2 đang làm nhiệm vụ ngoài vùng biển ‘nóng’. Cách đây 6 năm, Tuyển gia nhập quân ngũ, để rồi từ đó, đứa ‘con trai rượu’ của bà cứ biền biệt xa nhà.

{keywords}
Vợ chồng bà Tuất bên đứa cháu nội. Hai ông bà chỉ có mỗi anh Tuyển là con trai.

“Quanh năm con không về nhà, lễ tết cũng vắng mặt. Lúc đầu tôi nhớ lắm, sau rồi thành quen” – bà Tuất trò chuyện.

Tuyển là con út và là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Học hết phổ thông, Tuyển vào quân ngũ rồi được chọn vào miền Nam bồi đưỡng, đào tạo trước khi được giao nhiệm vụ tại lực lượng CSB Vùng 2.

Kể từ đó, Tuyển suốt năm xa nhà. Bà Tuất cùng chồng ở nhà trồng lúa, nuôi tôm, mắt luôn dõi ra biển đảo. Năm 2011, Tuyển được nghỉ phép về quê và cưới vợ.

Cô gái xinh đẹp Ngọc Huyền (SN 1988, trú TP. Vinh) vốn là VĐV karate xuất sắc, đã bằng lòng làm vợ anh cảnh sát biển quanh năm sương gió.

{keywords}
Bà Tuất theo dõi chương trình thời sự thông tin về lực lượng CSB, kiểm ngư ngoài vùng biển Hoàng Sa.

Tình yêu, tình cảm vợ chồng của họ chỉ được kết nối qua sóng điện thoại, đầy vội vã và chát mặn nhưng bền chặt yêu thương. Đứa con trai đầu lòng ra đời được Tuyển đặt cái tên mang đầy niềm tin và chất chứa những kỷ niệm của người cảnh sát biển: Hải Đăng!

“Nghĩ mà thương vợ chồng nó. Cưới nhau được 3 ngày thì chồng phải ra biển, đến lúc con Huyền sinh được 17 ngày chồng nó mới về nhà thăm được. Lúc biết vợ sinh con trai, nó gọi điện về bảo đặt tên là Hải Đăng, cả nhà đã chọn tên khác nhưng phải theo ý nó” – bà Tuất kể.

“Con hãy yên tâm, vững vàng giữ biển”

Rất thật lòng, bà Tuất kể, suốt 2 tuần qua nhiều đêm bà thức trắng. Thương và lo cho con, hầu như bà không bỏ sót chương trình thời sự nào. Những lúc thấy tàu CSB Việt Nam bị tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng và lao vào đâm, bà đều thắt nghẹn.

“Đầu tháng vừa rồi, Tuyển gọi điện về từ Đà Nẵng. Nó nói tàu bị Trung Quốc đâm hỏng đang vào cảng sửa. Tôi lo quá hỏi nó và chiến sỹ ta có bị thương gì không thì nghe con trai cười.

Tuyển động viên tôi và cả nhà, rằng anh em cảnh sát biển luôn đoàn kết, đùm bọc và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ lúc đó tôi bớt lo lắng và thêm ấm lòng” – bà Tuất nhớ lại, mắt long lanh.

{keywords}
Suốt 2 tuần qua, bà Tuất chưa bỏ sót chương trình thời sự nào.

Lo cho con trai, bà cũng vừa thương con dâu. Ngọc Huyền ít nói nhưng siêng năng và dịu dàng. Cô đang làm công nhân cho Cty dầu ăn Tường An ở TP. Vinh.

Cô làm ca trưa, đến 3h chiều mới được về. Nhà hầu như ngày nào cũng vắng lặng, chỉ có bà Tuất với Hải Đăng.

Trò chuyện một lát, bà Tuất bật ti vi lên xem chương trình thời sự, đúng lúc có thông tin từ vùng biển Hoàng Sa. Bà ôm đứa cháu đích tôn dán chặt mắt vào màn hình theo dõi chăm chú.

Ti vi phát phóng sự lực lượng kiểm ngư đồng hành cùng ngư dân đánh bắt cá ở Hoàng Sa. Bà cháu nghe trọn từng chữ.

“Nhiều lần xem thời sự tôi cảm động muốn rơi nước mắt, thương con nhưng cũng thấy tự hào. Tôi muốn nhắn gửi đến con trai rằng cứ yên tâm sát cánh cùng anh em, đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ.

Bố mẹ, vợ con đều khỏe, con cứ vững vàng, hiên ngang bảo vệ biển đảo Tổ quốc!” – bà Tuất vừa nói vừa như siết chặt hai bàn tay.

Cao Thái