Mùa lạnh gia tăng trẻ hen suyễn
 
Bé Nguyễn Bảo L. (6 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được cha mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đầu tháng 12/2022 cấp cứu trong tình trạng khó thở, mệt. Theo gia đình của bé, con bị hen suyễn ba năm. Đây là đợt tái phát khiến con khó thở, tím môi phải nhập viện. Tại đây, các bác sĩ cho bé sử dụng ba loại thuốc xen kẽ liên tục cả ngày và truyền thuốc thư giãn chống co thắt cơ đường thở… để giảm tình trạng khó thở.

Mẹ của Bảo L. cho biết trước đây con rất hay bị viêm đường hô hấp nhưng gia đình chỉ cho đi khám và lấy thuốc thông thường. Khi tình trạng nặng, tái đi tái lại, cha mẹ mới cho con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và biết bé bị hen. 
 
Nguyễn Cẩm T. (9 tuổi, ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám trong tình trạng khó thở. Theo bố của bé T., con lên cơn khó thở lúc nửa đêm nên gia đình lập tức đưa vào viện cấp cứu. Kết quả thăm khăm xác định con bị hen.

Tại cơ sở y tế này, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị hen suyễn, đặc biệt là trẻ bị cơn hen suyễn nặng khó kiểm soát, phải nằm điều trị trong phòng hồi sức tích cực.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số, tương đương 4 triệu bệnh nhân và khoảng 3.000-4000 người tử vong mỗi năm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Kiều Diễm, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhiệt độ giảm cũng khiến tác nhân gây bệnh hô hấp tăng lên, đặc biệt là bệnh hen phế quản. Vì vậy, thời điểm này, trẻ nhập viện hoặc đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố do hen phế quản cũng tăng.

Trẻ cấp cứu vì hen suyễn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BSCC

Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh dễ diễn biến nặng và nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt, có thể gây biến chứng xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản phổi, ngừng hô hấp...

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn (10% so với 5%). Trên thực tế, việc chẩn đoán hen ở trẻ em dễ bị chậm trễ, nhất là đối với bé dưới 2 tuổi. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.

Bác sĩ Diễm cho biết các triệu chứng thường tăng lên vào buổi chiều. Lúc này, dị nguyên kích thích đường hô hấp tăng cao.

Phân biệt bệnh hô hấp với hen suyễn

Biểu hiện của hen suyễn, trẻ không trong cơn hen sẽ có triệu chứng giống như các bệnh lý hô hấp bình thường như ho, sổ mũi. Trong cơn hen, trẻ bị khò khè, ho, thở mệt giống viêm phổi. Khi thăm khám cho trẻ, bác sĩ nhận thấy phổi có tiếng ran rít. Đây là tình trạng co thắt phế quản gây nên. Vì vậy, các bác sĩ phải có chuyên môn về hô hấp mới định chính xác được cơn hen của trẻ.

Không giống với các bệnh lý đường hô hấp khác, trẻ bị hen thường hay tái phát. Vì vậy, khi thấy con ho, khò khè, tái đi tái lại 3-4 lần trong năm, cha mẹ cần lưu ý dẫn trẻ đi khám bệnh.

Theo bác sĩ Diễm, khi nhiệt độ giảm, trẻ dễ gặp các cơn hen cấp tính. Nếu con ho nhiều, khò khè, đang chơi bỗng nhiên khó thở, ho liên tục cha mẹ cần cảnh giác. Đặc biệt là trường hợp trẻ có tiếp xúc phấn hoa, khói thuốc lá, nấm mốc.

Nếu xuất hiện cơn ho, cha mẹ cần sơ cứu tại nhà cho trẻ tránh trường hợp diễn biến nặng. Trường hợp chưa có kinh nghiệm nên gọi cấp cứu ngay. 

Bác sĩ Diễm lưu ý đối với bệnh nhân hen phế quản cha mẹ cần phân biệt rõ thuốc cắt cơn và phòng ngừa. Khi không có bệnh, trẻ vẫn phải xịt, sử dụng lâu dài thuốc phòng ngừa. Thuốc cắt cơn là khi trẻ có dấu hiệu khởi phát cần cho trẻ sử dụng ngay. Thuốc được phun khí dung hoặc dạng bình xịt định liều.