- Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về việc Nhà nước cần phải tránh tình trạng cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nửa vời, thoái vốn NN, đổi mới DN chưa triệt để. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ để các cơ quan chủ quản, các lãnh đạo DNNN buông những “con bò sữa tỷ đô”.
Chưa buông “gà đẻ trứng vàng”
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố kế hoạch bán vốn 2016. Trong năm nay, SCIC dự kiến bán vốn tại 120 DNNN trên tổng số 197 DN mà SCIC đang đại diện cho vốn nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2015.
Trong danh sách này không có những cái tên vốn được thị trường đánh giá là 'hot' như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Bảo hiểm Bảo Minh (BMC), FPT Telecom; Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR)…
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, 10 DN này là “của để dành”, bán ra là sẽ được mua ngay. Nếu cứ thoái hết ở những DN này thì các DN khác khi bán ra sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, việc thoái vốn cần có lộ trình và tính toán cặn kẽ nên chưa thể công bố. Chúng ta phải tôn trọng quyền của DN.
Được biết, việc thoái vốn đối với các DN lớn như Vinamilk, FPT... nêu trên cũng đang được xây dựng phương án, đề xuất lên Thủ tướng theo văn bản chỉ đạo riêng trước đây.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính). |
Vị này cũng thừa nhận rằng, hiện tại một số bộ vẫn còn tư tưởng muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối DN. Chẳng hạn như với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, 5 tháng đầu năm đã có 36 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có nhiều DN lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước (trên 51% vốn điều lệ ) ở những DN không nhất thiết NN phải nắm giữ cổ phần chi phối này vẫn còn rất cao.
Đặc biệt, có tới 55 DN (chiếm 17% số DN đã bán cổ phần) có số vốn Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.
Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về việc Nhà nước cần phải tránh tình trạng cổ phần hóa hình thức, nửa vời, phải tạo không gian cho DN tư nhân phát triển. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương không ít lần nhấn mạnh phải bán thật mạnh những DNNN không còn hiệu quả, tư nhân hóa hẳn những lĩnh vực kinh doanh Nhà nước không đáng nắm giữ như khách sạn, thương mại, nhà hàng, bán buôn bán lẻ, vận tải...
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh khẳng định, về lâu dài, nên hạn chế quy mô đầu tư của Nhà nước. Nhà nước phải thực sự trở thành người lái thuyền chứ không phải người chèo thuyền, lại càng không nên là "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo phương án đã được phê duyệt.
“Bán vốn nhà nước tại DN mà nhà nước không cần nắm giữ bao gồm cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả, đúng quy định, minh bạch, tránh thất thoát”, Chính phủ yêu cầu.
Đẩy nhanh lên sàn
Bên cạnh chậm CPH và thoái vốn NN, nhiều DN sau cổ phần hóa được cho là đã trì hoãn việc lên sàn UPCoM theo quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết.
|
Hai “ông lớn” ngành bia rượu Habeco và Sabeco là ví dụ được ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ niêm yết trên sàn. Tại Sabeco & Habeco, Bộ Công Thương đang đại diện tới gần 90% và 82% /vốn điều lệ và đã CPH được 8 năm.
“Chúng ta có thể bàn giao về SCIC, tách quản lý nhà nước để DN hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn”, ông Tiến chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Tài chính DN cũng cho biết, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc DN sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM. Tới đây sẽ có chế tài xử lý việc chậm trễ lên sàn. Vấn đề là các DN có đủ điều kiện niêm yết không.
Hà Duy