“Thị trường quá bi đát. Thực sự chiều nay cũng đã bán để còn giữ lại những đồng cuối cùng”, một nhà đầu tư chia sẻ trên cộng đồng mạng.
Trên thực tế, trong khu xu hướng downtrend kéo dài, không thể xét theo khía cạnh doanh nghiệp tốt, cổ phiếu tốt, chỉ có cổ phiếu giảm trước và giảm sau. Đây là lý do khiến không ít nhà đầu tư, dù thời gian qua đã rất kiên nhẫn, cũng phải bán ra cổ phiếu bất chấp triển vọng khá tốt của nền kinh tế Việt Nam so với khu vực và thế giới.
“Cái gì cũng tốt, từ GDP, FDI cho tới lạm phát. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Chỉ riêng thị trường chứng khoán là vẫn giảm như thế giới”, ông Trung Hưng, một nhà đầu tư trên sàn SSI, chia sẻ.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam vừa trải qua phiên 28/9 giảm điểm mạnh, mất gần 23 điểm và khó quên với nhiều người khi chỉ số VN-Index dễ dàng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm, vốn là đáy của đợt giảm sâu xác lập hồi đầu tháng 7.
Trước đó, không ít nhà đầu tư tin tưởng vào ngưỡng hỗ trợ quan trọng này, bởi VN-Index đã rơi một mạch từ đỉnh cao lịch sử 1.520 điểm hồi đầu tháng 4/2022 xuống ngưỡng 1.150 điểm và bật lại khá mạnh mẽ.
Nhiều người tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường chứng khoán, lực bắt đáy ở ngưỡng 1.200 điểm có nhiều phiên rất mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thuộc top nổi bật nhất thế giới cho dù thế giới chao đảo vì lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực,... Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn quốc tế với những “đại bàng” hàng đầu thế giới như Apple, Intel, Samsung... Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhiều tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng 6,5-8,5% trong năm 2022.
Trong một bài trên FT, chủ tịch của Rockerfeller International cho rằng, Việt Nam nằm trong 7 quốc gia nổi bật trên thế giới, là “7 kỳ quan kinh tế" khi mà thế giới đang bước vào suy thoái và lạm phát gia tăng khó kiểm soát.
Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu vẫn chứng kiến sự sụt giảm mạnh không kém gì các thị trường khác như Mỹ, châu Âu,... Từ đỉnh 1.520 điểm, chỉ số VN-Index đã mất gần 25% và chính thức bước vào một thị trường giá xuống (thị trường con gấu - bear market).
Thanh khoản trên thị trường cũng tụt giảm xuống chỉ còn 10-13 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, thay vì mức sôi động trung bình 26,3 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2021.
Túi tiền nhà đầu tư bốc hơi 80 tỷ USD
Cổ phiếu sụt giảm khiến vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 22 tỷ USD kể từ đầu tháng 9 và mất tổng cộng khoảng 80 tỷ USD kể từ đỉnh cao ghi nhận hồi đầu tháng 4/2022.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), ghi nhận khối tài sản giảm khoảng 4,2 tỷ USD sau khi cổ phiếu VIC giảm từ mức 102.000 đồng/cp xuống 57.500 đồng/cp như hiện tại.
Tài sản quy từ cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cũng giảm gần 900 triệu USD sau khi cổ phiếu HPG giảm từ mức 34.800 đồng/cp xuống 21.800 đồng/cp như hiện tại.
Những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chứng kiến tài sản bốc hơi cả chục tỷ USD.
Thị trường chứng khoán Việt giảm sâu vào thị trường con gấu trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp.
Theo VCBS, không có điều kỳ diệu xảy ra trong phiên 28/9. Áp lực bán mạnh về cuối phiên đã làm VN-Index liên tục mất điểm, giảm sâu về sát khu ực 1.140 điểm. Thanh khoản bán chủ động một lần nữa gia tăng mạnh về cuối phiên thể hiện tâm lý bi quan của nhà đầu tư với thị trường trong ngắn hạn.
Chuỗi bán ròng của khối ngoại tiếp tục kéo dài.
VCBS đánh giá, VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh quay về khu vực đáy cũ hồi tháng 7. Về góc nhìn kỹ thuật, mẫu hình Falling window tiếp tục xuất hiện cho thấy rủi ro đang ở rất cao. Các chỉ báo quan trọng ở khung đồ thị ngày và giờ như RSI, MACD đều hướng xuống mạnh tiêu cực. Thêm vào đó, chỉ báo ADX và DI- đều đang ở mức rất cáo báo hiệu cho việc thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh mạnh hơn. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng điểm này, chỉ số chung có thể sẽ lùi xuống sâu hơn vùng 1.085 điểm, tương ướng với ngưỡng Fibonacci mở rộng 0,382, tính từ khu vực đỉnh tháng 4.
Chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh chứng khoán Mỹ, châu Âu và Á đều sụt giảm, khi kinh tế thế giới được dự báo có tới 98% sẽ rơi vào suy thoái (theo tính toán của Ned Davis Research trên Bloomberg). Các nước chạy đua tăng lãi suất.
Xung đột Nga-Ukriane chưa có lối thoát, đối đầu giữa Nga và châu Âu căng thẳng khi mà mùa Đông giá lạnh đang tới. Tin xấu xuất hiện khắp nơi, khiến từ các chuyên gia trên thế giới cho tới nhiều nhà đầu tư nghĩ về những điều tồi tệ có thể vẫn ở phía trước.
Tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất huy động trong vài ngày gần đây tăng thêm 50 đến 130 điểm phần trăm ở hầu hết ngân hàng, qua đó có thể sẽ đẩy lãi suất cho vay đi lên sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng các lãi suất điều hành thêm 100 điểm từ ngày 23/9.
Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, bơm thêm gần 20 nghìn tỷ bổ sung cho các dự án đầu tư công trung hạn. Bộ Giao thông Vận tải tập trung giải ngân lượng tiền lên tới cả tỷ USD từ giờ tới cuối năm.
Khả năng duy trì tăng trưởng với tốc độ cao và giữ được lạm phát thấp trong năm 2022 được đánh giá cao. Tuy nhiên, với năm 2023, nhiều dự báo còn thận trọng khi mà thế giới đầy bất định.