Tuổi trẻ Hàn Quốc "cuồng" tiền ảo
Hàn Quốc là đất nước thịnh hành tiền ảo thứ 3 thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Hoa Kỳ. Theo ghi nhận từ đất nước này, tiền ảo bắt đầu xuất hiện vào năm 2009, với tiên phong là Bitcoin. Tiếp đến là sự nối tiếp của hàng loạt các đồng tiền ảo khác, ví dụ như Ethereum, Ripple, hay mới đây là Dogecoin…
Từ năm 2017, Hàn Quốc đã có khoảng 3 triệu người chơi tiền ảo, chiếm 6% tổng dân số (khoảng 50 triệu người). Phần lớn họ thuộc Millennials (1981-1996) - hay Gen Y, và là công nhân viên chức, với tỷ lệ lên tới 80%.
Phần lớn người đầu tư tiền ảo ở Hàn Quốc là Gen Y và Gen Z (Ảnh minh hoạ) |
Ước tính vào năm 2017, cứ 10 người làm công ăn lương ở Hàn Quốc thì có 3 đầu tư vào tiền điện tử. Tháng 4/2021, Hàn Quốc báo cáo kết quả thống kê tỷ lệ người chơi tiền ảo trên độ tuổi mới. Họ cho thấy, 60% thuộc độ tuổi 20-30.
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2021, 4 nền tảng giao dịch tiền điện tử hàng đầu Hàn Quốc - Upbit, Bithumb, Coinone và Korbit có thêm hẳn 2,5 triệu người đăng ký mới. Trong đó, có 1,58 người thuộc độ tuổi từ 20-30, nâng tỷ lệ chiếm lên 63,5%. Trung bình, cứ trong 10 người đầu tư tiền ảo thì có tới 6 người thuộc Gen Y và Gen Z (1997 - 2012).
Rủi ro đầu tư ngang đánh bạc
Hàn Quốc là đất nước sở hữu tốc độ internet nhanh nhất hành tinh. Bên cạnh đó, họ cũng là quốc gia có tỷ lệ giới trẻ sở hữu điện thoại thông minh cao nhất quốc tế. Từ năm 2019, số người trẻ dùng điện thoại thông minh ở đây đã là 96%.
Tỷ lệ giới trẻ Hàn Quốc dùng điện thoại thông minh cao suýt soát 100% (Ảnh minh hoạ) |
Đối với các hệ thống cung cấp tiền ảo, Hàn Quốc là mảnh đất màu mỡ nhất. Nhờ thông thạo và nhanh chóng thích nghi với các tiện ích kỹ thuật số mới, giới trẻ Hàn Quốc không vấp bất cứ khó khăn nào trong việc tiếp nhận và tham gia đầu tư.
Chơi tiền ảo là một hình thức đầu tư mạo hiểm. Người tham gia dùng tiền thật, đặt cược vào sự gia tăng lợi nhuận của loại đồng tiền điện tử mà mình chọn. Nếu nó tăng giá, họ kiếm được lời và ngược lại, họ có khả năng mất trắng. Tiền ảo không có giá trị nội tại như tiền thật hay vàng bạc. Giá trị của nó có thể thấp đến vô cùng là bằng 0.
Ngay từ những năm đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố "không có nghĩa vụ quản lý tiền ảo hay bảo vệ lợi ích của người chơi". Cho dù có hack sạch tài khoản, người chơi cũng phải "bấm bụng chịu". Thực tế, vào năm 2019, Hàn Quốc từng "dính" một vụ hack nghiêm trọng, thất thoát 48,5 triệu đô tiền ảo. Người ta suy đoán đủ các loại thuyết âm mưu, nhưng không có ai hay tổ chức nào bị tố cáo và xử lý.
Hệ thống ngân hàng quốc gia Hàn Quốc cũng cảnh báo, tiền ảo không có giá trị thực tiễn, không đồng ý nhận đổi sang tiền mặt. Dù vậy, vào năm 2018, Hàn Quốc bùng nổ cơn sốt tiền điện tử. Giới trẻ bất chấp mọi can ngăn và rủi ro, điên cuồng lao vào lĩnh vực đầu tư đầy mạo hiểm này.
Hàng triệu thanh niên Hàn Quốc mất trắng vì tham vọng làm giàu bằng tiền điện tử (Ảnh minh hoạ) |
Năm 2019, Hàn Quốc chứng kiến thời kỳ ảm đạm nhất của tiền ảo. Hàng loạt các loại tiền ảo đua nhau rớt giá và hàng triệu người chơi "khóc hết nước mắt" vì mất sạch tiền. Thế nhưng, sau năm 2020, cơn sốt tiền điện tử đột ngột quay trở lại. Nó phồng to tới nỗi, chính phủ phải lo ngại nguy cơ vỡ bong bóng.
Lối thoát duy nhất cho tầng lớp "thìa đất"?
Hàn Quốc là đất nước ưa… đánh cược. Trước khi có tiền ảo, người Hàn Quốc thịnh hành đầu tư chứng khoán. Vào năm 2017, tỷ lệ người Hàn Quốc chơi cổ phiếu là 1/10. Trung bình cứ trong 10 người thì có 1 người "đánh bạc" với cổ phiếu.
Chơi cổ phiếu yêu cầu "khoản tiền khá khá". Phần lớn người chơi ở Hàn Quốc là từ 50 tuổi trở lên, với tỷ lệ 46,3%. Lý do rất đơn giản, tuổi trẻ không sẵn tiền. Kể từ khi bước vào thế kỷ XXI, Hàn Quốc đã liên tục phải đối mặt với vấn đề thanh thiếu niên thất nghiệp. Những năm gần đây, tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp ở Hàn Quốc luôn trong khoảng 9-10%.
Tỷ lệ giới trẻ Hàn Quốc thất nghiệp tăng dần đều qua các năm |
Xã hội Hàn Quốc phân cấp giàu nghèo sâu sắc. Họ gọi những đứa trẻ sinh ra trong tầng lớp thượng lưu là "thìa vàng", trung lưu là "thìa bạc" còn nghèo là "thìa đất". Trong khi "thìa bạc", "thìa vàng" thừa hưởng cả đặc quyền giáo dục lẫn lập nghiệp, thì "thìa đất" gần như "không có bất cứ cơ hội làm giàu nào".
"Dù tôi có quần quật làm việc suốt 30 năm sau khi tốt nghiệp đi chăng nữa, liệu tôi có đủ tiền mua nhà, sắm xe hay không?". Đây là nghi ngại đầy cay đắng của hầu hết "thìa đất" lúc "bước chân vào đời". Câu trả lời là "không". Tiền lương chỉ vừa đủ cho giới trẻ Hàn Quốc chi trả các khoản sinh hoạt phí.
Tiền ảo xuất hiện ngay trong thời đại giới trẻ Hàn Quốc "thìa đất" nản chí nhất. Với thủ tục đăng ký đơn giản, trực tuyến và không giới hạn lượng mua thấp nhất, nó nhanh chóng trở thành "canh bạc" hợp pháp và thuận tiện, cho phép mọi điều kiện tài chính tham gia.
Tiền ảo là cơ hội "một bước lên tiên" cho "thìa đất" (Ảnh minh hoạ) |
Mặc dù đầy rủi ro, nhưng tiền ảo cũng đem lại cơ hội đổi đời ngay trong chớp mắt. "Nguyên nhân chính khiến thanh thiếu niên, đặc biệt là các sinh viên đổ xô vào tiền điện tử là vì có khả năng kiếm được lợi nhuận khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn," - quan chức chính phủ Hàn Quốc thừa nhận.
"Tôi đã mất trắng 20.000 đô (tương đương 461 triệu VNĐ), nhưng không sao cả," – Oh Ye-won (Seoul) thú nhận. "Tôi tin vào giá trị của đồng tiền điện tử và sẽ lấy lại những gì đã mất thông qua vụ đầu tư khác".
Ước tính, trên 70% giới trẻ Hàn Quốc đầu tư tiền điện tử bị rơi vào tình cảnh thua lỗ và mất trắng. Nhưng giống như Ye-won, họ không vì thế mà buông bỏ "canh bạc" này. Tầng lớp "thìa đất" Hàn Quốc ảo vọng, tiền ảo là "lối thoát số phận nghèo duy nhất". Họ bất chấp "ngã đau", kiên quyết bám đuổi đến cùng.
Trước nguy cơ "vỡ bóng bóng tiền ảo", chính phủ Hàn Quốc bắt buộc phải vào cuộc. Hiện tại, họ đang lên nhiều dự luật đối với lĩnh vực tiền điện tử, dự kiến sẽ áp dụng kể từ đầu năm 2022.
Theo PL&BĐ/Theinvestor
Cảnh giác tiền ảo núp bóng đa cấp được nghệ sĩ Việt quảng cáo
Trong cùng ngày, nhiều nghệ sĩ Việt đăng bài quảng cáo cho một loại tiền ảo được cho là của một sàn đa cấp tiền ảo mà nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.