Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng và Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số" - đồng loạt tăng dựng đứng. Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco có thời điểm lên sát ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm 27/12 (theo giờ New York). Trên sàn New York sáng 28/12, kim loại quý được giao dịch ở mức 1.880,9 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với phiên liền trước.

Trong khi đó, giá Bitcoin trên sàn Coindesk có thời điểm vượt ngưỡng 27.000 USD trong phiên giao dịch ngày 28/12 và hiện ở mức 26.900 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá "vàng kỹ thuật số" đã tăng 276,9% và trở thành tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020.

Trao đổi với Zing, các chuyên gia khẳng định giá vàng và giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng mạnh. Gói kích thích kinh tế mới là trợ lực chính đối với những tài sản được xem là "hàng rào chống lạm phát" như vàng và Bitcoin.

{keywords}
Cả Bitcoin và kim loại quý đều hưởng lợi khi đồng USD sụt giá. Ảnh: Reuters.

Áp lực lên đồng USD

Trả lời Zing, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ), khẳng định các nhà đầu tư vàng đều trông chờ vào dự luật cứu trợ mới được Washington thông qua trước ngày 28/12.

Hôm 27/12, theo nguồn tin của Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký gói kích thích 2.300 tỷ USD, bao gồm khoản cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD với hàng triệu người thất nghiệp Mỹ.

Dự luật cứu trợ này sẽ đổ thêm 900 tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ đại dịch và ngân sách hoạt động của chính phủ tới tháng 9 năm sau. Trước đó, ông Trump từng dọa không ký kế hoạch kích cầu 900 tỷ USD với lý do cần sửa đổi kế hoạch để tăng số tiền trao tay người dân.

{keywords}
Giá vàng biến động mạnh sau thông tin Tổng thống Trump ký dự luật cứu trợ mới.

"Cả giá vàng và bạc đều có một khởi đầu tốt với các gói kích thích tài chính mới", ông Halley Jeffrey, chuyên gia phân tích cao cấp phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Oanda, khẳng định.

Theo giới chuyên gia, gói kích thích kinh tế mới là trợ lực mạnh đối với giá vàng. Nguyên nhân là việc bơm tiền vào nền kinh tế sẽ tạo áp lực lớn lên đồng USD. Trong khi đó, vàng giữ được giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm. Nói cách khác, giá trị của tiền giảm, giá vàng sẽ tăng.

Ngoài ra, với lãi suất duy trì thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm đi, khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào. Theo ông Moya, giá kim loại quý có thể vượt ngưỡng 1.900 USD trước khi kết thúc năm 2020 nhờ gói kích thích kinh tế mới.

"Vàng kỹ thuật số" tăng điên cuồng

Trong khi đó, đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất thế giới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. "Bitcoin tiếp tục được coi là 'tài sản chủ đạo' khi tăng giá hơn 16% trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Đồng tiền từng bị xem là 'hoa Tulip Hà Lan' đã xuyên thủng ngưỡng kháng cự 24.000 USD và kích hoạt một 'cơn bão tăng giá' kéo dài", ông Jeffrey Halley bình luận với Zing.

Bong bóng hoa Tulip Hà Lan chỉ giai đoạn giá tulip khi mới xuất hiện tăng vọt đến mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ, khiến nền kinh tế rơi vào đình trệ.

Satoshi Nakamoto - nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin - đã đặt giới hạn khoảng 21 triệu đơn vị. Giới hạn này giúp giá trị của mỗi Bitcoin tăng lên khi đồng tiền trở nên phổ biến. Cùng với đó, Bitcoin cũng miễn nhiễm với lạm phát và được coi là một dạng vàng kỹ thuật số.

Do đó, khi rủi ro lạm phát gia tăng, các nhà đầu tư tin rằng Bitcoin sẽ tăng giá trị và ồ ạt mua vào như một biện pháp phòng ngừa đồng tiền mất giá. "Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự luật kích thích kinh tế tiếp tục tạo áp lực lên đồng USD và thúc đẩy đà tăng giá của Bitcoin", ông Halley tại Oanda giải thích.

"Giá Bitcoin lần đầu vượt ngưỡng 20.000 USD chỉ 11 ngày trước. Giờ, đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất thế giới đang áp sát cột mốc 30.000 USD", tờ CNN bình luận về đà tăng của Bitcoin.

{keywords}
Giá trị vốn hóa thị trường Bitcoin đã đạt 502 tỷ USD.

"Ngày càng nhiều người đặt niềm tin vào Bitcoin hơn", ông Anthony Scaramucci, nhà sáng lập Skybridge Capital, bình luận. Hai gã khổng lồ thanh toán là Square và PayPal đã cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác như Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin trên nền tảng của mình. Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin.

"Tuy nhiên, đó vẫn là một khoản nắm giữ rủi ro và dễ bay hơi. Bitcoin có thể giảm đột ngột từ 20-50%. Hãy cẩn trọng", ông Scaramucci cảnh báo.

Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng trợ lực chính của đà tăng giá Bitcoin vẫn là yếu tố đầu cơ và tâm lý FOMO, tức lo sợ bỏ lỡ cơ hội. "Các nền tảng cơ bản của tiền mã hóa không thay đổi. Đà tăng của Bitcoin hoàn toàn được thúc đẩy bởi động lực đầu cơ, khi giới đầu tư muốn làm giàu nhanh và sợ bỏ lỡ cơ hội", ông Halley bình luận.

"Khi một tài sản tài chính có biến động giá hơn 10% trong ngày, thật nực cười khi coi nó là một tài sản tài chính chủ đạo", ông nhấn mạnh.

(Theo Zing)