Hôm 17/12, giá Bitcoin lần đầu vượt ngưỡng 20.000 USD/đồng. Chưa đầy ba tuần sau đó, giá đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới lần lượt vượt các mốc 25.000 USD, 30.000 USD và áp sát ngưỡng 35.000 USD/đồng. Đà tăng giá của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giới đầu tư chia hai luồng ý kiến về hiện tượng này. Một số tin rằng đồng tiền này đã trở thành một trong những tài sản tài chính chủ đạo. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo giống bong bóng năm 2017, yếu tố đầu cơ vẫn là trợ lực chính của tiền mã hóa.

Đây không phải lần đầu giá Bitcoin tăng phi mã. Hồi năm 2017, đồng tiền này tăng một mạch từ 1.000 USD/đồng lên hơn 19.000 USD. Các nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mua vào. Nhưng đến năm 2019, bong bóng Bitcoin vỡ vụn, đẩy giá xuống chỉ còn hơn 3.000 USD.

{keywords}
Đà tăng giá điên cuồng của Bitcoin khiến giới đầu tư hoang mang. Ảnh: Reuters.

Đà tăng điên cuồng

Đồng Bitcoin là một trong những tài sản tài chính hoạt động tốt nhất trong năm 2020. Giá tăng đến gần 400%. Để so sánh, giá vàng tăng khoảng 23%. Đà tăng tiếp tục kéo dài sang năm 2021. Trong ngày 2/1, giá Bitcoin trên sàn Coindesk tăng dựng, đứng vượt ngưỡng 30.000 USD/đồng.

Đến ngày “sinh nhật” thứ 12 (hôm 3/1), giá Bitcoin tiếp tục tăng mạnh lên mức hơn 34.800 USD. Hiện, đồng tiền này được giao dịch quanh ngưỡng giá 33.200 USD. Giá trị vốn hóa thị trường Bitcoin đạt 618,72 tỷ USD.

Đà tăng giá của Bitcoin kéo các đồng tiền mã hóa khác tăng theo. Hôm 3/1, giá đồng Ethereum tăng vọt 31,84% so với ngày trước đó lên 1.031 USD/đồng. Trong khi đó, đồng Stellar và Chainlink cũng tăng lần lượt 15,2% và 20,93% lên 0,145 USD và 14,28 USD.

Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya của hãng tư vấn Oanda (Mỹ) giải thích rằng một khi vượt kỷ lục hồi năm 2017 và ngưỡng cản tâm lý 20.000 USD, một "cơn bão tăng giá" được kích hoạt. Trước khi đạt mốc 20.000 USD, thị trường Bitcoin đã có ba tuần trồi sụt, thử thách tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chuyên gia Moya khẳng định các trợ lực giúp Bitcoin tăng giá vẫn bền vững. Đầu tiên là nguồn cung tiền tăng vọt trên toàn cầu. Các chính phủ trên toàn thế giới phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Tính đến tháng 10, những gói hỗ trợ toàn cầu nhằm giảm thiệt hại của đại dịch đã lên đến 12.000 tỷ USD.

{keywords}
Sau khi đạt mốc 20.000 USD, giá Bitcoin lần lượt vượt mức 25.000 USD, 30.000 USD và áp sát ngưỡng 35.000 USD/đồng. Ảnh: Coindesk.

Các gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có trên toàn cầu tạo áp lực lên tiền pháp định. Trong khi đó, đồng Bitcoin được coi là một trong những "hàng rào" chống lạm phát. Satoshi Nakamoto - nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin - đã đặt giới hạn khoảng 21 triệu đơn vị. Giới hạn này giúp giá trị của mỗi Bitcoin tăng lên khi đồng tiền trở nên phổ biến và "miễn nhiễm" với lạm phát.

"Ngày nay, các nhà đầu tư tổ chức, ngân hàng và công ty gia đình đang cân nhắc - một cách hợp pháp - việc đầu tư vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa đồng tiền mất giá", ông Alex Mashinsky, Giám đốc điều hành của Celsius Network, nhận định.

Một động lực giúp đồng Bitcoin tăng giá là sự tham gia của những nhà đầu tư tổ chức. "Các tổ chức đầu tư sẽ không cho phép đồng tiền trượt dốc không phanh", ông Moya tại Oanda giải thích.

Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin. Trong khi đó, hai gã khổng lồ thanh toán là Square và PayPal cũng cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác trên nền tảng của mình.

"Thổi phồng phi lý"

Ngoài ra, theo ông Moya, các quỹ quản lý tiền tệ hoạt động yếu kém trong năm 2020 có thể chuyển sang thị trường tiền mã hóa. "Sẽ có nhiều nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ tài sản hoạt động tốt nhất năm 2020 và đổ tiền vào Bitcoin", ông nhấn mạnh.

Một số chuyên gia tài chính nhắc đến hiệu ứng FOMO (fear of missing out), tức các nhà đầu tư lo sợ bỏ lỡ cơ hội và quyết định đổ tiền vào thị trường tiền mã hóa.

"Các nhà đầu tư đang chạy đua để nắm giữ Bitcoin trong một thị trường ngày càng khan hiếm. Với hiệu ứng FOMO, chính những nhà đầu tư tổ chức cũng tìm cách hành động nhanh để đảm bảo việc nắm giữ Bitcoin", chuyên gia phân tích Jason Deane tại công ty tư vấn Quantum Economics bình luận.

Đối với nhiều nhà đầu tư Phố Wall, đó chỉ là dấu hiệu của một sự thổi phồng phi lý. "Chúng tôi coi nó và các loại tiền mã hóa khác là 'hoa Tulip kỹ thuật số'", các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Yardeni Research nhận định, đề cập đến bong bóng hoa Tulip Hà Lan.

"Đà tăng giá của đồng Bitcoin chỉ là một thước đo cho sự dư thừa đầu cơ", hãng này nhấn mạnh. Còn chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam cho rằng "chứng cuồng tiền điện tử" một lần nữa trở thành trợ lực chính cho đà tăng giá Bitcoin.

"Một số nhà đầu tư không thèm quan tâm đến các nguyên tắc cơ bản. Đó là một đặc điểm nguy hiểm của tiền mã hóa vốn đã tồn tại trong vài năm qua. Những đợt bùng nổ giá khiến nhà đầu tư hào hứng. Nhưng nhiều người sẽ phải trả giá sau đó", vị chuyên gia cảnh báo với Zing.

{keywords}
Sau khi thiết lập kỷ lục hồi năm 2017, giá Bitcoin chạm đáy vào cuối năm 2018. Ảnh: Coindesk.

Trên thực tế, các loại tiền thuật toán như Bitcoin không được hỗ trợ bởi bất cứ tài sản hay gắn với ngân hàng trung ương nào. Chúng có giá trị bởi người nắm giữ tin rằng chúng giá trị. Do đó, sự trồi sụt giá thất thường là đặc tính thường thấy ở Bitcoin.

"Bitcoin không có bất cứ giá trị nội tại nào", giáo sư kinh tế Nouriel Roubini chỉ trích. "Giá Bitcoin hoàn toàn bị thao túng bởi một nhóm người. Đồng tiền không có giá trị cơ bản. Và chúng ta đang tiến sát đến thời điểm bong bóng vỡ", ông nhấn mạnh.

Theo ông Nicholas Pelecanos, Trưởng bộ phận giao dịch tại công ty tiền mã hóa NEM, giới đầu tư cần cẩn trọng với bất cứ tài sản nào có tốc độ tăng trưởng quá lớn như vậy. "Các nhà đầu tư không nên bị cuốn vào 'cơn điên cuồng' tiền mã hóa", ông cảnh báo.

Tuy nhiên, chuyên gia Pelecanos cho rằng thị trường tăng giá của đồng Bitcoin mới chỉ bắt đầu. Ông dự đoán đồng tiền này có thể tăng giá lên 50.000 USD vào Lễ Tình nhân 14/2.

(Theo Zing)