Các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới hồi phục sau giai đoạn dài áp dụng các biện pháp kiểm soát chống Covid-19 đã gây ra sự thiếu hụt trên toàn bộ chuỗi cung ứng, khiến các công ty phải tranh giành nhau để tìm kiếm công nhân, tàu chở hàng và thậm chí cả nhiên liệu cho các nhà máy cung cấp năng lượng. Vậy mà sự hồi phục kinh tế mới chỉ bắt đầu.

Hãng sản xuất thịt gà lớn nhất của Anh cảnh báo 20 năm thực phẩm giá rẻ ở nước này sắp kết thúc và lạm phát giá thực phẩm có thể đạt mức hai con số do làn sóng chi phí tăng cao.

Do rời bỏ EU (Brexit) và Covid-19, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ở các kho hàng, tài xế xe tải và cả các cửa hàng bán thịt, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Khoảng thời gian bạn có thể mua một con gà 3 bảng (4 USD) cho gia đình bốn người ăn sắp kết thúc", Ranjit Singh Boparan, chủ sở hữu của 2 Sisters Group, cho biết.

{keywords}
 

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi tăng trưởng kinh tế chậm chạp, có nghĩa là giá của nhiều thứ - bao gồm cả tiền lương - không tăng nhiều trong suốt nhiều thập kỷ, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với cú sốc giá các mặt hàng cơ bản, từ cà phê tới bát thịt bò.

Lạm phát tiêu dùng cốt lõi ở Nhật Bản chỉ tạm ngừng giảm vào tháng 8, sau khi tăng liên tiếp 12 tháng trước đó. Nhà sản xuất các sản phẩm sữa Meiji Holdings đã tăng giá bơ thực vật lên tới 12,8%, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2008, trong khi những công ty thực phẩm khác cũng đã tăng giá các dòng sản phẩm chính của họ lần đầu tiên sau nhiều năm. Mặc dù không được người tiêu dùng hoan nghênh, nhưng xu hướng này có thể bắt đầu thúc đẩy cách người Nhật nhận thức về giá mà họ phải trả cho các mặt hàng chủ lực. Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản dự kiến đà tăng giá gần đây sẽ được phản ánh trong dữ liệu chính thức về lạm phát trong những tháng tới.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư (13/10) đã kêu gọi lĩnh vực tư nhân chung tay giúp giảm bớt sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng - đang đe dọa làm gián đoạn kỳ nghỉ lễ của nước Mỹ.

Ông Biden cho biết Cảng Los Angeles sẽ tham gia cùng Cảng Long Beach trong việc kéo dài thời gian hoạt động suốt ngày đêm để dỡ lượng hàng ước tính 500.000 container đang chờ ngoài khơi, trong khi Walmart, Target và các nhà bán lẻ lớn khác sẽ kéo dài hoạt động qua đêm để cố gắng đáp ứng nhu cầu giao hàng.

Tại Trung Quốc, việc các nhà máy điện nỗ lực dự trữ nhiên liệu để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng năng lượng đang thúc đẩy lạm phát giá sản xuất ở nước này tăng lên mức cao chưa từng thấy. Giá năng lượng tăng vọt đã khiến lạm phát giá thành sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tháng 9 vọt lên mức cao nhất trong vòng ít nhất 25 năm, với PPI tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhu cầu yếu đã hạn chế lạm phát của người tiêu dùng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải duy trì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, và điều đó tiếp tục đẩy giá sản xuất tăng lên.

Tại Đức, các viện kinh tế hàng đầu của nước này đã cắt giảm dự báo chung về tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu xuống 2,4% từ mức 3,7% dự báo trước đây do tắc nghẽn nguồn cung cản trở sản lượng.

Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán dẫn, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân công vì các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch. Sự bất cân bằng cung-cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao.

Khủng hoảng năng lượng khi mùa đông đang tới sẽ khiến "bão giá" càng thêm trầm trọng

Giá than đá đã tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử do thời tiết lạnh giá ở khắp miền bắc Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang ngày thêm trầm trọng, nguyên nhân do tình trạng thiếu than, giá nhiên liệu cao và nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp bùng nổ sau đại dịch. Trong khi mùa đông đang đến gần ở một số nơi trên thế giới thì triển vọng nguồn cung điện vẫn ảm đạm bởi ngày càng thêm cạn kiệt, đã khiến hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy bị ngừng trệ, trong đó có nhiều nhà cung cấp của các thương hiệu lớn toàn cầu như Apple.

Giá dầu mỏ đang tăng một phần bởi dự báo giá khí tự nhiên sẽ tăng khi mùa đông đến gần, thúc đẩy xu hướng chuyển từ khí sang dầu để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm. Kết quả là giá dầu Brent kỳ hạn tương lai đã tăng vượt 85 USD/thùng.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy chi phí năng lượng sắp giảm xuống, với việc giá dầu sau mỗi phiên giảm là phiên tăng mạnh hơn.

Giá bán lẻ trung bình một gallon khí đốt ở Mỹ hiện đã lên mức cao nhất 7 năm, và Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến chi phí nhiên liệu trong mùa đông dự kiến sẽ tăng hơn nữa. Sản lượng khai thác dầu khí của Mỹ hiện vẫn chưa bằng mức đỉnh cao của năm 2019.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng ngày càng tăng, Nhà Trắng trong những ngày gần đây đã hội đàm với các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ, yêu cầu họ hành động để giúp giảm chi phí nhiên liệu - đang tăng quá cao.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến ​​sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu tăng thêm nửa triệu thùng mỗi ngày (bpd) và có thể gây ra lạm phát, đồng thời làm chậm đà phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

Theo IEA: "Giá năng lượng tăng cũng đang gia tăng áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và kéo quá trình phục hồi kinh tế chậm lại".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tê thế giới năm 2021 do những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Theo đó, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 bị điều chỉnh giảm xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7. Theo IMF, mặc dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1% nhưng đối với một số nước cụ thể, mức dự báo tăng trưởng giảm mạnh hơn. Trong đó, dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ bị điều chỉnh giảm từ 7% xuống còn 6%, của Đức giảm nửa điểm phần trăm xuống còn 3,1% trong khi con số này của Nhật Bản giảm 0,4 điểm xuống còn 2,4%. Dự báo về tăng trưởng của Anh cũng bị điều chỉnh giảm 0,2 điểm xuống còn 6,8%, và của Trung Quốc giảm 0,1 điểm xuống còn 8%.

(Theo Reuters/  Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Venezuela xóa 6 số 0 trên đồng nội tệ vì siêu lạm phát

Venezuela xóa 6 số 0 trên đồng nội tệ vì siêu lạm phát

Quốc gia Nam Mỹ Venezuela thông báo họ sẽ xóa bớt 6 chữ số 0 trên đồng nội tệ trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng siêu lạm phát.