Nói xin lỗi đi!".
"Con có vẻ không thật lòng muốn xin lỗi mẹ".
"Bạn ấy sẽ không chơi với con nữa nếu con không xin lỗi ngay bây giờ".
Và thường thì sau câu xin lỗi câu chuyện sẽ kết thúc mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về những gì đã xảy ra. Cha mẹ thường không giải thích lý do vì sao hành động của con lại gây tổn thương cho người mà con nói lời xin lỗi, cách con có thể giải quyết sai lầm mà bản thân gây ra hay những gì có thể làm để thay đổi hành vi của mình.
Chúng ta muốn trẻ cư xử đúng mực, đồng cảm và thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác, biết cách xin lỗi thật tâm. Thế nhưng khi bắt chúng phải nói lời xin lỗi, bạn có nghĩ mình đang đi đúng hướng?
Theo tác giả Alice Hanscam chia sẻ trên Motherly, ép trẻ xin lỗi đồng nghĩa với việc phụ huynh đang truyền đạt những điều sau:
- Mẹ cần con xin lỗi để mẹ cảm thấy khá hơn về những chuyện vừa xảy ra.
- Đây là cách chúng ta giải quyết rắc rối.
- Mẹ muốn con làm theo những gì mẹ nói.
- Con cần được mẹ chỉ cho cách cảm nhận và cư xử trước mọi chuyện.
- Mẹ là người có quyền (kẻ lớn hơn và mạnh hơn là kẻ thắng).
Có lẽ đó không phải thông điệp mà bạn thực sự muốn nói với trẻ.
Về cơ bản không ai thích thừa nhận sai lầm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý người làm sai có thể thấy xấu hổ hoặc sợ hãi hậu quả.
Với trẻ em, cảm giác phức tạp hơn, đó được gọi là mâu thuẫn về nhận thức. Ví dụ một đứa trẻ tin rằng bản thân mình là một người tử tế, ngoan ngoãn nhưng khi chúng mắc sai lầm, thường cha mẹ sẽ nói 'con hư quá'. Điều này dễ gây ra tâm lý mâu thuẫn ở trẻ. Làm thế nào để con giảm bớt căng thẳng khi đón nhận trạng thái đối nghịch như vậy?
Giúp con nhận ra sai lầm và biết cách xin lỗi chân thành là một trong những bài học quan trọng cha mẹ cần dạy cho trẻ.
Dạy con thời điểm nên xin lỗi
Thật khó để bắt một đứa trẻ nhỏ hiểu được đâu là đúng, đâu là sai. Điều quan trọng cha mẹ nên đưa 2 khái niệm này vào nhận thức của trẻ càng sớm càng tốt.
Bạn có thể giải thích ý nghĩa của lời xin lỗi và nói rằng con nên xin lỗi khi mắc lỗi. Khuyến khích trẻ đồng cảm để nhận ra hành động sai trái của mình, chẳng hạn hỏi con sẽ phản ứng như thế nào nếu bạn khác làm điều tương tự với mình.
Làm gương cho trẻ
Bạn hãy thành thật mỗi khi nói lời xin lỗi. Giọng nói và thái độ của bạn là những gì trẻ sẽ quan sát và bắt chước.
Dạy con xin lỗi đúng cách
Lời xin lỗi thành thật không phải chỉ được nói ra. Cha mẹ nên dạy con khi xin lỗi phải đứng thẳng, đứng yên, mắt nhìn thẳng để thể hiện sự chân thành.
Bạn nên khuyến khích trẻ nói thêm lý do phải xin lỗi để người nghe biết trẻ hiểu rằng con đã làm gì sai. Con cũng có thể kết thúc lời xin lỗi bằng lời hứa sẽ không tái phạm.
Giúp trẻ đối phó với cảm xúc của mình
Thông thường, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, tự ti khi phải nói lời xin lỗi. Trong trường hợp này, cha mẹ nên nói chuyện, giảng giải để con hiểu tại sao bạn yêu cầu như vậy và tại sao trẻ không nên cảm thấy xấu hổ. Hãy để trẻ biết rằng việc chấp nhận lỗi lầm của một người cần có dũng khí.
Đưa ra những lựa chọn hoặc gợi ý
"Con có thể làm gì để giúp bạn đỡ buồn nhỉ?".
"Khi nào con cảm thấy sẵn sàng để làm hòa, bạn ấy sẽ vui lắm đấy".
"Con có muốn nói gì hay làm gì để bạn ấy biết là con thấy có lỗi không?".
Lời nói nhẹ nhàng, nụ cười, việc chia sẻ một món đồ chơi hay ngồi bên cạnh bạn cũng là cách trẻ xin lỗi, không nhất thiết phải nói một câu rõ ràng khi chưa thực sự thoải mái.
Hãy để trẻ tự xin lỗi theo cách riêng
Đôi khi trẻ có thể không muốn xin lỗi vào lúc đó. Trong trường hợp này, tốt hơn là cha mẹ nên cho con có thời gian bình tĩnh và suy nghĩ về những gì chúng đã làm trước khi xin lỗi.
Trẻ cũng có thể xin lỗi theo cách riêng của mình, chẳng hạn ôm, tặng hoa, hoặc thậm chí viết giấy. Điều quan trọng hơn là con phải sẵn sàng nói lời xin lỗi và hiểu được lỗi của mình.
Bạn cũng nên khen ngợi để khuyến khích trẻ: "Ồ, con thật tốt bụng khi tặng con gấu bông yêu thích cho bạn ấy. Bạn ấy chắc chắn sẽ cảm thấy khá lên đấy. Cách xin lỗi của con thật dễ thương".
Cha mẹ đứng trung lập
Cha mẹ không nên quá bảo vệ hay đổ lỗi cho hành động của con mình hoặc đứa trẻ kia. Khi trẻ "tố cáo", bạn sẽ nghe rất nhiều câu như" "Cậu ấy đã làm điều đó" hoặc "Cậu ấy đã đánh cháu trước"...
Cố gắng giữ bình tĩnh trong những tình huống như vậy, giải thích cho chúng hiểu rằng cả hai bên đều góp phần vào việc tranh cãi và phải xin lỗi nhau.
Như vậy, bạn đang giúp con tìm hiểu cách tạo dựng mối quan hệ lành mạnh. Dần dần, con sẽ tự giác nói lời xin lỗi do bản thân thực sự muốn thế. Một đứa trẻ cần nhiều thời gian để học hỏi và phát triển kỹ năng, do đó điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần nhớ khi nuôi dạy con là sự kiên nhẫn.
Theo Sức khoẻ & Đời sống