Cuộc đình công kéo dài 5 tháng tại kinh đô điện ảnh thế giới vừa kết thúc, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại tại đây, thậm chí theo bình luận của tờ Telegraph, "cơn ác mộng" chỉ vừa bắt đầu.
Sau gần 150 ngày diễn ra, cuộc đình công dài nhất trong lịch sử Hollywood có dấu hiệu chững lại. Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) và Liên minh các nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP) thông báo đạt được thỏa thuận cơ bản tối thiểu (MBA).
Lãnh đạo công đoàn của WGA thông báo bỏ phiếu chấm dứt cuộc đình công và kêu gọi các thành viên ủng hộ thỏa thuận. Lệnh đình công chính thức được dỡ bỏ từ 12 giờ sáng ngày 27/9.
Ai là người chiến thắng?
Các thành viên của tổ chức công đoàn trực thuộc WGA sẽ bỏ phiếu thống nhất nội dung MBA từ ngày 2/10. Đối với nhiều người, cuộc đình công kéo dài suốt 5 tháng chấm dứt là một sự kiện đáng mừng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố hoan nghênh kết quả này: “Đơn giản là không có gì thay thế được việc người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau đàm phán một cách thiện chí, hướng tới thỏa thuận giúp doanh nghiệp mạnh mẽ hơn đồng thời đảm bảo mức lương, lợi ích và phẩm giá mà người lao động xứng đáng được hưởng”.
Theo đánh giá của Vox, các nhà biên kịch tại Hollywood đã giành chiến thắng.
Sau khi bỏ phiếu chấm dứt cuộc đình công và đề nghị các thành viên phê chuẩn hợp đồng, WGA công bố sơ bộ về thỏa thuận mới thông qua một bản ghi nhớ tóm tắt (MOA). “Chúng tôi vô cùng tự hào nói rằng đây là một thỏa thuận đặc biệt, mang lại lợi ích và sự bảo vệ có ý nghĩa cho các tác giả thuộc mọi lĩnh vực thành viên”, WGA khẳng định.
Thông tin chi tiết của hợp đồng vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, bản tóm tắt cho thấy công đoàn đã giành được thắng lợi. MOA bao gồm việc tăng mức lương và bồi dưỡng tối thiểu, tăng tỷ lệ hưởng trợ cấp hưu trí và chăm sóc sức khỏe, cải thiện các điều khoản về thời gian làm việc và quy mô nhóm tác giả (bị thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây), cải thiện tiền thù lao - bao gồm cả thù lao từ lợi nhuận phát trực tuyến bên ngoài Mỹ.
MOA cũng định ra các điều khoản liên qua đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thỏa thuận không ngăn cản tác giả hoặc sản xuất sử dụng AI tạo sinh, nhưng cấm sử dụng phần mềm để giảm bớt hoặc loại bỏ nhà văn cùng tiền thù lao của họ.
"Một tác giả có thể lựa chọn sử dụng AI khi cung cấp dịch vụ viết, nếu công ty đồng ý và tác giả tuân theo các chính sách tương ứng của doanh nghiệp, nhưng công ty không thể yêu cầu nhà văn sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (ví dụ, ChatGPT) khi cung cấp dịch vụ viết", MOA nêu rõ.
"Cơn ác mộng" chỉ vừa bắt đầu
Theo Telegraph, chiến thắng của WGA không đồng nghĩa với việc thảm họa đã được ngăn chặn và kinh đô điện ảnh Hollywood sẽ quay trở lại nhịp sống thường nhật. Song song đó, cho đến lúc này, Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) vẫn tiếp tục cuộc đình công kéo dài từ giữa tháng 7.
Cuộc đàm phán căng thẳng 5 ngày vừa qua giữa WGA và AMPTP diễn ra sau 5 tháng đình công, khiến toàn bộ hoạt động liên quan đến các tác giả, nhà biên kịch rơi vào trạng thái tê liệt.
Tiến trình sản xuất phim điện ảnh và truyền hình không thể khôi phục một sớm một chiều. Sự chậm trễ, những trục trặc phát sinh là điều không thể tránh khỏi.
Lịch phát sóng truyền hình Mỹ trong mùa thu tràn ngập những chương trình thực tế và trò chơi nhằm thay thế khoảng trống cho các bộ phim, không thể chuyển đổi lại bình thường ngay tức khắc. Các bộ phim, chương trình truyền hình có kịch bản chưa quay tiếp tục bị gián đoạn vì thiếu diễn viên.
Bom tấn điện ảnh Dune: Part Two, một tác phẩm được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96, đã bị dời lịch sang năm 2024. Rất khó để quay lại lịch công chiếu trong năm nay, dù các diễn viên và biên kịch được công đoàn của họ cho phép quảng bá.
Lệnh đình công của SAG-AFTRA vẫn còn hiệu lực và khó giải quyết trước thời điểm giữa tháng 11. Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với WGA, AMPTP có thể mở đàm phán với SAG-AFTRA nhằm đưa việc quay phim và hoạt động quảng bá trở lại trong bối cảnh mùa giải Oscar cận kề. Nhưng không thể kỳ vọng một kết quả nhanh chóng.
Từ lâu, tháng 10 được coi là thời điểm cuối cùng để đạt được thỏa thuận, giúp tránh xảy ra khủng hoảng thảm khốc trong ngành. Điều đó đồng thời nói lên rằng mọi thứ đã đến mức giới hạn.
Các tác giả gánh chịu nhiều tổn thất tài chính to lớn khi ngừng làm việc suốt 5 tháng. Những hãng phim như Warner Bros. Discovery bắt đầu chứng kiến lợi nhuận giảm sút, thấp hơn dự kiến trong năm 2023 từ 300-500 triệu USD.
Khó khăn đối với ngành công nghiệp giải trí Mỹ vẫn còn ở phía trước.
Trailer phim 'Dune: Part Two':