- “Có hôm quán treo biển hết cơm, các tình nguyện viên đang chuẩn bị dọn dẹp thì một bà lão rón rén đến hỏi mua 2 suất. Thì ra bà là một bệnh nhân chạy thận, biết quán không bán buổi chiều nên mua để dành tối ăn chứ không còn tiền mua cơm ngoài”, anh Đức kể.
Nằm trên đường Võ Thị Sáu, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình), quán cơm từ tâm của các bạn trẻ ở CLB Nét bút xanh miền Trung đã trở thành một địa chỉ tin cậy, ấm nghĩa tình của người lao động nghèo, các bạn sinh viên và bệnh nhân thuộc bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
Tay thoăn thoắt bê lên những dĩa cơm ngon mắt, sạch sẽ, anh Hoàng Trung Đức, chủ nhiệm CLB cho hay, lúc đầu quán chỉ bán vào trưa các thứ 3, 5, 7. Nhưng giờ bán đều các buổi trưa trong tuần (trừ chủ nhật) để mọi người có thể mua cơm dễ dàng hơn.
Anh Đức đang phát phiếu mua cơm cho mọi người |
Từ ngày mở quán cơm, các thành viên trong câu lạc bộ đã chứng kiến không ít câu chuyện xúc động.
“Lúc mới mở, nhiều người biết đến quán vì giá cơm chỉ 5.000 đồng. Khi được bưng cơm lên, họ khăng khăng đòi trả lại vì không tin cơm 5.000 lại có thịt trong đấy.
Chúng tôi phải giải thích mãi, cam đoan không phải trả thêm tiền, họ mới chịu ăn và còn nói, lần sau bán cơm với rau là được rồi, có thịt như thế này làm sao bù lỗ”, anh Đức kể.
Nhiều người không tin trong cơm 5.000 đồng có cả thịt |
Một suất cơm 5.000 đồng thế này luôn đầy đủ các món thịt, rau, canh và tráng miệng |
Lại có những hôm, nhiều bệnh nhân tuổi đã cao, chân đi không vững được những người cùng phòng bệnh dìu đến quán. Sau khi tiếp đón, các bạn trẻ trong quán lại tình nguyện đưa các cụ lên tận phòng bệnh.
“Của cho không bằng cách cho. Bà con hay các bạn học sinh, sinh viên khi đã bước chân vào quán chúng tôi nghĩa là có hoàn cảnh khó khăn lắm rồi, chúng tôi luôn nhắc nhau phải có thái độ chu đáo, tận tình, thân thiện”, anh nói.
Vừa nhanh tay thái bắp cải để kịp xào, em Lương Thị Thu Hợp, sinh viên năm 3 Khoa sư phạm Toán, trường Đại học Quảng Bình tâm sự: “Em học buổi chiều nên sáng nào cũng đến quán phụ đi chợ, rửa đồ và nấu ăn cùng các bạn tình nguyện viên khác. Tối về em còn đi dạy thêm để trang trải cuộc sống, dù bận rộn nhưng em rất vui vì giúp được mọi người”.
Sau khi nấu, những chiếc khay nhôm được xếp ra, các bạn lần lượt cho các món rau xào, thịt kho, đậu sốt cà chua, canh bầu nấu tôm, cắt dưa hấu sắp gọn gàng vào khay. Trong quán đã có một số bệnh nhân đến sớm ngồi đợi vì sợ chỉ ra muộn một chút sẽ không mua được.
Thành viên CLB đang chuẩn bị cơm cho bữa trưa |
Vừa ăn cơm, bà Nguyễn Thị Hòa ở xã Bắc Trạch cho biết, bà vào chăm ông đang điều trị tại Bệnh viện Cu Ba – Đồng Hới. Từ khi biết quán cơm này ông bà đỡ được rất nhiều chi phí. “Ở đây các cháu nấu cơm rất thơm và dẻo, thịt rau đầy đủ mà còn rẻ nữa”, bà Hòa vui vẻ.
Mỗi ngày, quán sẽ có từ 5 đến 10 bạn tình nguyện đi chợ, nấu nướng, bưng bê cơm và dọn dẹp. Với 100 suất cơm mỗi ngày, quán phải chi từ 1 đến 1,5 triệu mỗi buổi đi chợ. Chỉ riêng gạo, ngày nào cũng phải nấu 15kg.
Trong khoảng 1 năm mở bán, quán đã phục vụ gần 10.000 suất cơm trợ giá cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù cũng được một vài cá nhân, tổ chức ủng hộ nhưng không thường xuyên nên nguồn kinh phí của quán đang ngày càng hạn hẹp.
Anh Đức bày tỏ rõ sự lo lắng: “Thỉnh thoảng lại có người cho ít gạo, rau của quả và hỗ trợ tiền mặt nhưng chúng tôi phải chật vật lắm mới duy trì được, quán luôn rơi vào tình trạng nấu hôm nay lo ngày mai và không biết phải đóng cửa bất cứ khi nào”.
Ngoài quán cơm 5.000 đồng, các bạn trẻ trong CLB còn nấu cơm rồi đóng hộp, mỗi tuần 2 đêm, các thành viên trực tiếp mang đến cho những người lao động nghèo, người vô gia cư đang náu mình trong những con hẻm, vỉa hè tại TP Đồng Hới.
Với sự nhiệt huyết với công tác làm từ thiện, năm 2017, CLB đã đạt giải thưởng tình nguyện Quốc gia và nhiều bằng khen, giấy khen về công tác này. Tuy vậy, điều các thành viên trong CLB luôn đau đáu là làm thế nào để có thể duy trì được những hoạt động như quán cơm được dài lâu, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Hải Sâm