Bộ GD-ĐT hôm nay phối hợp với Trường ĐH Hà Nội trao giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2022.
Năm nay, 94 cơ sở giáo dục đại học đã tranh tài trong 6 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học nhân văn.
Chung cuộc, có 12 đề tài giành giải nhất, 44 giải nhì, 78 giải ba và 116 giải khuyến khích với tổng số tiền thưởng hơn 200 triệu đồng.
Trong số các giải nhất, đáng chú ý có nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền của nhóm sinh viên Dương Thị Hồng Phượng, Võ Thị Hồng Nhung, Lê Thị Yến Lin, Trần Thị Huỳnh Như, Nguyễn Ngọc Diễm Hằng (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM).
Theo nhóm nghiên cứu, trong cuộc sống hiện đại, con người bận rộn với công việc, do đó thời gian dành cho các bữa cơm cũng bị rút ngắn. Đáp ứng xu hướng đó, cơm ăn liền được nghiên cứu sản xuất nhằm giải quyết bài toán về thời gian và cũng tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm làm từ lúa gạo.
Tuy nhiên, khái niệm “cơm ăn liền” vẫn khá mới mẻ và chưa được phổ biến trên thị trường hiện nay. Gạo để sản xuất cơm ăn liền được sản xuất từ lúa mới thu hoạch (để đảm bảo độ tươi, mùi thơm đặc trưng của giống, cấu trúc dẻo của cơm), sau đó tách bỏ vỏ trấu, xát nhẹ lớp cám mỏng, không qua xát trắng kỹ và đánh bóng. Cơm ăn liền được hồ hóa một phần bằng hơi nước, sau đó được sấy khô để giữ cho hạt gạo ở trạng thái xốp và hạt cơm sẽ khô, riêng lẻ, không bị vón cục. Khi sử dụng, người dùng chỉ cần cho nước vào theo tỷ lệ, rồi cho vào lò vi sóng trong 5-6 phút.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã thực hiện đề tài với các thí nghiệm đánh giá, lựa chọn nguyên liệu; khảo sát từ phương pháp xay đến chất lượng gạo tươi, thời gian xát đến độ trắng của gạo, phương pháp hồ hóa tinh bột gạo tươi, thời gian và nhiệt độ sấy cơm ăn liền, phương pháp hoàn nguyên...
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm lựa chọn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm là lúa Đài thơm 8, vụ Đông Xuân 2021, tại xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhóm đưa ra được quy trình sản xuất cơm ăn liền: Lúa được xay bằng máy tách vỏ trấu với khoảng cách giữa hai trục rulo 0,1cm; thời gian xát gạo là 80 giây; gạo được ngâm và hấp trong thời gian 35 phút; cơm được sấy ở 55°C trong 160 phút để đạt độ ẩm sản phẩm 12-14%, màu trắng, hạt rời nhiều, tỷ lệ hạt gãy thấp.
Sau đó, hoàn nguyên với tỷ lệ “1 cơm ăn liền: 3 nước”, thời gian 6 phút, công suất 350 - 450W trong lò vi sóng thì hạt cơm trắng, nở vừa, khô ráo và mềm giống cơm nấu bằng nồi cơm điện. Sản phẩm sau đó được bảo quản bằng phương pháp hút chân không trong bao bì PE.
11 đề tài đạt giải Nhất khác gồm:
"Tổng hợp, cấu trúc một số dẫn xuất polythiophene mới và ứng dụng trong siêu tụ điện" của SV Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
"Nghiên cứu ứng xử động lực học của vi giọt trong thiết bị vi lưu flow-focusing dưới ảnh hưởng của chất hoạt động bề mặt" của SV ĐH Bách khoa Hà Nội.
"Ứng dụng mô hình học máy xác định các tổ hợp gen liên quan huyết khối có giá trị chẩn đoán sớm nguyên nhân sảy thai liên tiếp ở phụ nữ Việt Nam" của SV Trường ĐH Y Hà Nội.
"Tổng hợp vật liệu NiCoFe-LDO, ứng dụng làm xúc tác trong xử lý môi trường" của SV Học viện Kỹ thuật quân sự.
"Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá chốt sọc Mystus mysticetus Roberts, 1992 phân bố trên tuyến sông Hậu từ Cần Thơ đến Sóc Trăng" của SV ĐH Cần Thơ.
"Dự định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối tại các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19" của SV Trường ĐH Hà Nội.
"Cảm xúc và hành vi chia sẻ viral video trên facebook của thế hệ trẻ" của SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
"Ảnh hưởng của Sensory Marketing đến chất lượng cảm nhận và sự hài lòng về dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập Việt Nam" của SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
"Đa dạng hóa xuất khẩu trước cú sốc kinh tế: Bằng chứng thực nghiệm từ các nước đang phát triển" của SV Học viện Ngân hàng.
"Xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh Trung học phổ thông đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP.HCM" của SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
"Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong quản lý xã hội khi có dịch bệnh từ thực tiễn Covid-19 ở Việt Nam" của SV Học viện An ninh nhân dân.
Thấy thầy cô vất vả với khâu chụp ảnh bài thi để chấm trắc nghiệm, nhóm học sinh lớp 11A Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã lên ý tưởng chế tạo Giá chấm trắc nghiệm bán tự động. Sản phẩm được các giáo viên đánh giá cao về hiệu quả.