

Thưa ông, gần đây Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang được xem xét để trở thành trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm này từ góc độ phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay?
Ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Nếu quan điểm này được tiếp thu, trở thành chủ trương phát triển thì đây là điều đáng mừng cho đất nước.
Với vai trò và đóng góp hiện nay của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, khu vực này đã xứng đáng được coi là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam gồm 2 khối. Một là khối các doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức. Hai là khối hộ kinh doanh cá thể, bao gồm các hộ sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Đến cuối năm ngoái, cả nước có khoảng 980 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tức là kém xa so với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2025. Bên cạnh đó, có khoảng 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp.
Theo tôi biết, hiện nay khu vực tư nhân đóng góp khoảng hơn 50% GDP, trong đó khối doanh nghiệp đóng góp khoảng 28% GDP, khối hội kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP và hộ sản xuất nông nghiệp khoảng 10% GDP. Khu vực này đóng góp 56% tổng đầu tư toàn xã hội, vượt xa so với tỷ lệ 28% của khu vực kinh tế nhà nước và 16% của khu vực FDI; chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu và đặc biệt là tạo hơn 80% công ăn việc làm.
Nói tóm lại, kinh tế tư nhân đang chiếm hơn ½ nền kinh tế nước ta hiện nay. Khu vực này đã trở thành trụ cột lớn nhất của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho người dân. Hiện nay đã xuất hiện một nhóm doanh nghiệp quy mô lớn mang tính quốc gia nhưng vẫn còn rất ít doanh nghiệp có quy mô khu vực và quốc tế. Vì vậy, coi khu vực này là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế là đúng và trúng với thực tiễn đất nước.
Thưa ông, các nhà lãnh đạo cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân phải đạt tăng trưởng hai con số để cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Ông bình luận như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi xin nhắc lại, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 50% GDP, 56% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo hơn 80% công ăn, việc làm. Do đó, nếu kinh tế tư nhân không tăng trưởng cao và bền vững ở mức 2 con số, thì nền kinh tế nói chung sẽ không thể có tăng trưởng 2 con số. Hay nói cách khác, các mục tiêu phát triển thịnh vượng vào năm 2030 và 2045 sẽ không thể đạt được.
Tôi cho rằng, cơ quan thống kê cần tính toán và công bố các số liệu liên quan về đóng góp hay tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế để theo dõi, đánh giá và có các giải pháp chính sách tương ứng cho từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.
Chỉ đạo này và nhiều chỉ đạo khác về thể chế, theo tôi, sẽ được đưa vào văn kiện Đại hội tới đây.
Nhưng tựu trung lại về thể chế, người dân phải có quyền tự do đầu tư, kinh doanh; quyền sở hữu tài sản được bảo vệ; họ không đối mặt với rủi ro pháp lý. Họ phải được quyền tiếp cận một cách bình đẳng về cơ hội kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách để họ giảm chi phí, tăng lợi nhuận và thu nhập, giảm thiểu và phòng ngừa các rủi ro bất khả kháng đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp để khuyến khích họ mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh.
Nhiều năm nay, các doanh nhân luôn lên tiếng về nhiều quy định trong Luật Đầu tư đã can thiệp sâu vào chuyện kinh doanh, đầu tư của họ. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Đình Cung: Sau nhiều năm cải cách sang kinh tế thị trường, chúng ta đã đạt được tiến bộ nổi bật về quyền tự do kinh doanh. Tuy vậy, quyền tự do kinh doanh còn rất mong manh và tinh thần “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm” còn lâu mới đi vào thực tiễn.
Xin lấy ví dụ. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người dân chỉ được kinh doanh các ngành nghề đã xác định trong văn bản pháp luật quy định, phân loại về ngành kinh tế. Nếu ngành nghề chưa có trong danh mục này, các doanh nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; và trong không ít trường hợp họ bị từ chối đăng ký.
Nhà đầu tư vẫn bị quản lý theo dự án đầu tư thông qua thủ tục hành chính “chấp thuận chủ trương đầu tư”. Như vậy, nhà nước đang quản lý về mục tiêu dự án, địa điểm và quy mô dự án và cả lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án cụ thể.
Quy định “chấp thuận chủ trương đầu tư” nói trên đã gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với nhà đầu tư và môi trường kinh doanh. Chấp thuận chủ trương đầu tư để làm gì? Nó không thay thế được quản lý môi trường, giấy phép xây dựng hay các thủ tục tiếp cận đất đai đối với dự án đầu tư.
Cách quản lý nói trên đang vi phạm nguyên tắc cơ bản của tự do kinh doanh và cơ chế thị trường là “sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất ở đâu và như thế nào,… là do thị trường, hay nhà đầu tư quyết định”.
Ông vừa nhắc đến tinh thần “doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm” còn xa vời. Luận điểm chính của nhận định trên là gì?
Ông Nguyễn Đình Cung: Hệ thống pháp luật đã biến tinh thần “doanh nghiệp tự do kinh doanh các ngành nghề không bị cấm” thành “doanh nghiệp phải kinh doanh các ngành nghề theo quy định của pháp luật”.
Có hàng nghìn ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hàng chục nghìn điều kiện kinh doanh tương ứng tạo nên những “rừng” hay “bãi” dày đặc rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện là lớn hơn nhiều so với danh mục của Luật Đầu tư cụ thể là các luật và các nghị định hướng dẫn đặt ra hàng nghìn, thậm chí chục nghìn điều kiện kinh doanh, mà bản chất là rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong hàng chục năm qua, có quá nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các điều kiện kinh doanh tương ứng không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không minh bạch, không rõ mục tiêu quản lý đã gây nên tác hại hết sức to lớn đối với môi trường kinh doanh.
Hệ thống đó đã hạn chế cơ hội kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thay vào đó, nó bảo vệ nhóm doanh nghiệp hiện hữu, tạo nên nhóm lợi ích cấu kết nhau chi phối thị trường, chi phối chính sách có lợi cho mình; là một trong các nguyên nhân tạo nên tham nhũng, hối lộ; làm méo mó môi trường kinh doanh.
Các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường… làm cho việc tuân thủ chúng trở nên tốn kém quá mức cần thiết, thậm chí không tuân thủ được, hoặc tuân thủ một phần, hoặc tuân thủ một cách hình thức. Vì thế, hoạt động kinh doanh đối diện với rủi ro lớn về pháp lý là kinh doanh không đúng quy định hay vi phạm pháp luật.
Hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện làm cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp luôn đối diện với rủi ro pháp lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng hơn là hình sự.
Nhờ hệ thống đó, các công chức liên quan tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để trục lợi; cũng là kẽ hở để đối thủ cạnh tranh lợi dụng, kết hợp với “truyền thông bẩn” triệt hạ đối thủ cạnh tranh.
Việc công bố kết luận thanh tra, kiểm tra một cách vội vàng, hay cố ý rò rỉ cho truyền thông một cách thiếu trách nhiệm có thể vô tình hoặc cố ý giết chết một doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường, thậm chí là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả với mất mát lớn không chỉ đối với chủ doanh nghiệp, người lao động và những người thân của họ và cả các bên có liên quan khác.
Tình trạng trên dẫn đến việc phải đối diện với nhiều rủi ro pháp lý đã và đang làm thui chột, thậm chí triệt tiêu động lực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, mà đây là yếu tố để họ duy trì năng lực cạnh tranh, mở rộng và phát triển từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.
Chính rủi ro pháp lý luôn thường thực đối với người đầu tư kinh doanh, quyền kinh doanh và tài sản không được pháp luật bảo vệ là một trong các nguyên nhân làm cho đại đa số doanh nghiệp Việt không muốn lớn và không lớn lên được.
Đất nước có những doanh nghiệp lớn như VinGroup, SunGroup, Thaco - Trường Hải, Hoà Phát… là rất ít ỏi và ngoại lệ.
Đã đến lúc phải hoá giải các nút thắt thể chế dù không hề dễ dàng để đất nước phát triển sang một quỹ đạo khác.
Bài 2: Làm gì để thổi bùng năng lực nội sinh của Việt Nam?