Nước ép quả chứa đựng không ít nguy cơ. Không những làm mất nhiều ưu thế vốn có trong quả tự nhiên, nước ép còn hàm chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng.

Đồ đệ nước ép quả Phạm Trung Đức thừa nhận: “Nhiều lúc mua về uống, mình thấy không như mùi mình tưởng. Khác vị, không như quả thật. Nước ép cam, nho, ổi khác vị so với tự nhiên”.

Các nhà khoa học cảnh báo những ưu thế mà nước ép quả mang lại như kéo dài thời gian bảo quản, tăng nhiều nguyên tố vi lượng và tăng chất xơ, thực ra không là gì so với những gì mất đi từ hoa quả tự nhiên sau quá trình chế biến. Nước ép đã tước đi những ưu thế không thể thay thế của trái cây tự nhiên.

Mất dinh dưỡng từ vỏ

Anh Lê Thanh Hiệp, chủ quán coffee ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhanh tay lấy một trái táo vẫn còn dán mác nhập khẩu rửa dưới vòi nước. Trái táo được bổ thành nhiều phần nhỏ, loại bỏ lõi. “Xay sinh tố thì phải gọt vỏ”, anh Hiệp nói bằng giọng Sài Gòn. “Nước ép chảy xuống khay bên dưới, còn bã sẽ đọng lại ở đây. Nước quả được ép gần như kiệt”.

Nhưng tuyệt nhiên không thấy anh chủ quán giải thích những thứ mà anh cho là bã kia có thực sự đáng bỏ đi hay không. Tri Thức Trẻ Số 455, ngày 10/3/2014 có bài “Nước ép trái cây không bằng trái cây” đưa ra kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế nói về nước ép trái cây làm giảm đáng kể hàm lượng xơ, mất lớp vỏ chứa nhiều sắc tố như flavonoid hay carotenoid tốt cho sức khỏe có trong quả tươi.

Thêm vào đó, các loại vitamin mất nhiều nhất, đặc biệt là các vitamin tan trong nước như vitamin C và các vitamin nhóm B. Vitamin C mất tới 90% sau khi nước quả được ép và để dưới ánh sáng 30 phút, TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết.

Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, Bộ môn Thực phẩm Dinh dưỡng, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, khi hoa quả được ép thành nước, lực tác dụng làm phá vỡ cấu trúc tế bào chứa đựng những hợp chất này trong mô của quả. Dưới tác dụng của oxygen và một số hợp chất đưa từ bên ngoài vào, polyphenol và flavonoid trong quả tươi mất đi.

Polyphenol được chứng minh có nhiều công dụng với sức khỏe, có hoạt tính chống oxy hóa, cố định các gốc tự do vốn gây tác động xấu cho cơ thể. Ngoài ra, polyphenol còn chống viêm, kháng khuẩn, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Tham gia quá trình trao đổi chất trong cơ thể còn có flavonoid tập trung ở lớp vỏ quả. Nhóm hợp chất này được cho là hữu ích cho quá trình chuyển hóa.

{keywords}

Nước ép và những hệ luỵ, theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Canada, đứng đầu là Giáo sư David Bailey, Trường Đại học Western Ontario đăng trên BBC, Telagraph.

Giảm tác dụng của thuốc

Tháng 8/2008, hàng loạt các tờ báo lớn như BBC, Telagraph, CBC, trích đăng phát hiện của các nhà nghiên cứu Canada, đứng đầu là Giáo sư David Bailey của Trường Đại học Western Ontario, nước ép bưởi, cam và táo gây cản trở khả năng hấp thụ thuốc tây của cơ thể, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Nghiên cứu còn chỉ ra nước ép bưởi, táo và cam tác động đến thuốc chống ung thư, thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị bệnh tim và một số loại thuốc kháng sinh.

Bà L.H, trú ở Hà Nội, rước thêm bệnh khi áp dụng phương pháp tẩy trừ gan mật bằng việc kết hợp giữa nước muối Epsom (megnesium sulfate) và nước ép bưởi hòa dầu ô liu. Bạn bè giới thiệu đây là bí kíp lấy sỏi gan, mật, thanh lọc các độc chất khỏi cơ thể, giúp nâng cao sức khỏe. Thực hiện quy trình trên, bà H thấy tám viên sỏi nhỏ như hạt lạc, màu vàng nhờ nhờ chui ra ngoài khi bà đi tiểu. Vài viên còn có màu xanh rêu đậm. Theo bà H, người áp dụng sẽ phải đi tiêu chảy, từ đó mới ra sỏi.

Sau khi áp dụng, bà H có bị tiêu chảy nhưng không cầm lại được. Bà mệt lả vì mất nước và ốm. Sau hơn một năm áp dụng, đến bây giờ, bà H vẫn hay bị tiêu chảy. Mỗi lần kéo dài cả tuần và phải dùng thuốc mới cầm hết.

Những người đang bị viêm loét dạ dày, bệnh về đường tiêu hóa càng có nguy cơ hứng vạ nếu uống các loại nước ép trái cây chua như chanh, cam, táo, nho. Các loại quả này chứa nhiều chất làm tăng độ acid của dạ dày, gây ra chứng ợ nóng và làm viêm loét nặng thêm, TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết.

Quả bom tiểu đường hẹn giờ

Không chỉ tước đi những ưu thế không thể thay thế của trái cây tự nhiên, nước ép quả còn có nguy cơ tạo một cửa sổ gây bệnh mới về lâu dài, nhất là tiểu đường.

Chiêu quảng cáo sản phẩm với “100% nguyên chất” hay “nước ép tinh khiết” của nhiều nhà sản xuất nước cam đều là giả dối. Chạy theo lợi nhuận, gần như tất cả sản phẩm đều sử dụng hóa chất, hương liệu, Alissa Hamilton viết trong sách Những điều bạn không biết về nước ép cam, xuất bản năm 2009.

Các nghiên cứu khoa học thế giới đều chỉ ra rằng, nước ép quả chứa nhiều đường. Dùng quá nhiều các loại nước ép quả lâu dài sẽ gây bệnh béo phì, huyết áp và tim mạch.

Việt Nam hiện có 300.000 trẻ dưới năm tuổi thừa cân, béo phì, theo Thạc sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Dinh dưỡng. Tình trạng trẻ em thừa cân béo phì ở một số thành phố đã ở mức cao so với trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển. TP Hồ Chí Minh có 9,6% trẻ thừa cân, béo phì. Khu vực trung tâm, tỷ lệ này lên tới 12%.

Tại Đà Nẵng, tỷ lệ này gần 10%, trong khi mức trung bình toàn cầu khoảng 6,9%. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết các thông tin trên trong hội thảo khoa học về thực trạng dinh dưỡng trẻ em ở đô thị do Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học tổ chức tháng 9/2013.

Một trong những nguy cơ khó kiểm soát nhất dẫn đến béo phì ở trẻ thời gian gần đây là tình trạng dung nạp quá nhiều đường thông qua nước ép quả, theo nghiên cứu công bố tháng 2/2014 của các nhà khoa học Anh.

Trẻ thừa cân, béo phì ở tuổi ấu thơ rất dễ mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch và bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cảnh báo.

Chỉ sau khi một nghiên cứu của Tiến sĩ Robert Lustig đăng tải trên Tạp chí Y học Anh mùa hè 2013 nhận định nước ép trái cây có liên quan và tăng nguy cơ bệnh tiểu đường type II, nhiều người mới bắt đầu nhận ra nước ép trái cây có thể không lành mạnh như họ từng tin tưởng.

Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF), tiểu đường đang tăng nhanh trên khắp thế giới. Hiện có hơn 371 triệu người có bệnh tiểu đường (năm 2012). Con số này sẽ lên đến 552 triệu người vào năm 2030.

Những năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người độ tuổi 20-79 tại Việt Nam là 1,2%. Tỷ lệ này lên đến 2,7% vào năm 2002, rồi 5,3% năm 2012, và 5,8% năm 2013. Sự tăng nhanh này đã biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh nhất trên thế giới. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng chóng mặt tiêu thụ nước ngọt, nhất là nước ép quả ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S, người tiêu dùng lựa chọn nước ép, nước trái cây chứa sữa đạt 62% - cao hơn so với tiêu dùng nước giải khát có gas (60,6%). Dân chúng ở vùng thành thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nhu cầu cao nước ép trái cây.

Sử dụng nước ép carrot (cà rốt) thường xuyên có thể gây áp lực cho tuyến tụy. Bên cạnh đó, do chứa nhiều chất beta carotene, khi dùng quá nhiều nước ép carrot, làn da có thể chuyển sắc đỏ.

{keywords}

Bốc hơi các ưu thế tự nhiên, theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Canada, đứng đầu là Giáo sư David Bailey, Trường Đại học Western Ontario đăng trên BBC, Telagraph.

Tù mù chế biến và bảo quản

Đó là chưa kể tới vấn đề vệ sinh an toàn trong quá trình chế biến và bảo quản nước ép.

Nước ép quả tự nhiên chỉ giữ được khoảng từ 2-3 ngày. Chưa kể khi hoa quả được ép ra thành nước, nhiều thành mới xuất hiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. “Các máy ép hoạt động liên tục ngày này qua ngày khác, ép với số lượng lớn, nếu rửa máy không sạch, nước ép rất dễ nhiễm nấm, vi sinh từ xác trái cây cũ còn tồn đọng. Nếu phần trái cây đem ép được lấy từ những trái bị dập, hư thì nước ép sẽ càng dễ nhiễm khuẩn hơn”, Bác sĩ Lê Kim Huệ, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Nước ép quả công nghiệp sử dụng một thế giới các chất phụ gia để bảo quản sản phẩm. Thông thường, các hãng sản xuất sử dụng natri benzoat có nồng độ dưới 0,1% để ngăn chặn vi sinh vật phát triển trong nước ép. Tuy nhiên, nồng độ vượt ngưỡng tối đa cho phép sẽ gây độc cho người sử dụng, thạc sĩ Ngô Xuân Dũng cho biết.

(Theo Tiền phong)