Theo Pravda, trong ngày 31/1, nhiều vùng lãnh thổ trên khắp Ukraine đã đồng loạt phát cảnh báo không kích vào hồi 11h14. Ngay sau khi cảnh báo được đưa ra, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân di chuyển tới các hầm trú ẩn hoặc làm theo quy tắc an toàn được hướng dẫn từ trước.
Phát ngôn viên không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết, việc còi báo động không kích vang lên đồng loạt trên khắp cả nước là tín hiệu cảnh báo nguy cơ bị tập kích bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal. Tuy nhiên, cảnh báo này đã được rút lại sau khoảng 30 phút.
Truyền thông Belarus cho biết, đã có một 2 máy bay quân sự của nước này cất cánh vào thời điểm còi báo động không kích vang lên ở Ukraine. Trước đó, không quân Ukraine cũng từng phát tín hiệu cảnh báo khi phát hiện một tiêm kích MiG-31 cất cánh từ lãnh thổ Nga.
Brazil đề xuất phương án đàm phán hòa bình
Theo RT, trong ngày 31/1, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã đề xuất thành lập một nhóm tương tự như G20 để đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine.
"Chúng ta cần một nhóm có đủ sức mạnh trên bàn đàm phán để yêu cầu hai bên ngồi xuống đối thoại. Tôi đề xuất việc thành lập một nhóm tương tự như G20, nhưng chỉ tập trung vào vấn đề Ukraine. Tôi đã thảo luận về việc này với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp", ông Lula nói.
Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Lula nhấn mạnh rằng Brazil sẽ không gửi bất kỳ vũ khí gì tới Ukraine.
Nga lên án lập trường của các nước vùng Baltic
Theo Guardian, trong ngày 31/1, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng chỉ trích lập trường của các quốc gia vùng Baltic về vấn đề Ukraine.
"Về cơ bản, chúng tôi thấy rằng các quốc gia Baltic và Ba Lan đang vô cùng hung hăng. Họ muốn leo thang căng thẳng hơn nữa mà không nghĩ tới hậu quả. Thật đáng buồn là các cường quốc ở châu Âu lại không làm gì để thay đổi lập trường này", ông Peskov nói.
Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Tổng thống Latvia Gitanas Nauseda kêu gọi NATO quên đi "lằn ranh đỏ" và cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.