Tuần trước, Coca-Cola vừa công bố rằng sẽ thưởng lên tới 1 triệu USD cho bất cứ nhà khoa học nào trên thế giới làm được điều mà hãng này không thể làm đó là tìm ra một hợp chất tự nhiên, an toàn, ít hoặc không chưa calorie nhưng mang lại cảm giác tương tự như đường khi pha trộn vào đồ uống và thực phẩm. Hợp chất này phải không chứa hoặc có nguồn gốc từ cỏ ngọt stevia hoặc quả la hán hay bất kỳ chất hoặc loài cây nào đang được bảo vệ.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn và là một trong những vấn đề lớn nhất mà ngành công nghiệp thực phẩm đóng gói trị giá 4,8 nghìn tỷ USD đang phải đối mặt. Và nếu ai đó thành công, họ sẽ nhận được khoản tiền thưởng 1 triệu USD.
"Tôi nghĩ rằng phần thưởng này hơi rẻ mạt", Ross Colbert, một nhà phân tích thị trường nước giải khát tại hãng Rabobank, chia sẻ. "Tôi nghĩ rằng với bất cứ ai tìm ra hợp chất nó đáng giá hơn thế thế rất nhiều lần".
Việc một công ty toàn cầu trị giá hàng tỷ USD phải tổ chức cuộc thi công khai nhằm tìm ra giải pháp thay thế cho đường trong các sản phẩm chủ đạo của họ cho thấy tình trạng đáng lo ngại của nước giải khát tại Mỹ. Hiện tại, do lo ngại về sức khỏe mọi người tiêu thụ đồ uống có ga ít hơn 19% so với 15 năm trước.
"Nó cho thấy áp lực tìm ra một chất thay thế đang ngày càng gia tăng", Colbert nói.
Các hãng sản xuất đồ uống có ga đang tuyệt vọng trong công cuộc tìm kiếm hợp chất thay thế cho thành phần gây tranh cãi nhất trong sản phẩm của họ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng lo ngại trước mối liên quan giữa đường và các bệnh mãn tính bao gồm bệnh tim và tiểu đường. Điều này khiến họ chuyển sang những đồ uống lành mạnh hơn như nước đóng chai và trà thảo dược. Những người này cũng bỏ phiếu ủng hộ đánh thuế đồ uống có ga tại khắp các thành phố của nước Mỹ.
Các hãng sản xuất đồ uống có ga đã thử nhiều lựa chọn thay thế cho đường nhưng chưa tìm thấy bất cứ lựa chọn nào có thể sao chép hoàn hảo những đặc điểm của đường. Pepsi đã từng thử dùng sacchrine trong Diet Pepsi nhưng năm 1984 họ thay thế nó bằng chất làm ngọt nhân tạo aspartame với vị ngon hơn.
Tuy nhiên, khi người dùng phàn nàn về việc thiếu các thành phần tự nhiên trong thực phẩm của họ, Pepsi đã quyết định bỏ aspartame để dùng sucraclose. Điều đó đã làm thay đổi hương vị của đồ uống và một lần nữa vào năm 2016 Pepsi quyết định quay trở lại dùng aspartame.
Sau đó, các hãng sử dụng chất thay thế đường chiết xuất từ cỏ ngọt stevia. Chất này thể hiện tốt với một số đồ uống đặc biệt là nước giải khát có ga vị chanh. Tuy nhiên, khi dùng cho cola, nó để lại dư vị cam thảo trong thời gian dài.
Theo GenK