- Trên đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi) với diện tích chỉ hơn nửa cây số vuông, Bùi Văn Huệ mất chừng 30 phút đi vòng quanh đảo bằng xe lăn bởi sức kéo của đàn chó trung thành. Sự có mặt của anh là một nét thú vị trên hòn đảo còn khá hoang sơ này.

Vượt qua bi kịch

Đến thăm đảo An Bình, còn gọi là đảo bé Lý Sơn, du khách thập phương ai nấy ngạc nhiên, thích thú khi bắt gặp người đàn ông gầy gò ngồi trên chiếc xe lăn do 4 chú chó kéo. Đến mỗi đoạn cua hoặc đổ dốc, những chú chó đều xử lý thuần thục theo hiệu lệnh của chủ.

Người đàn ông đó tên là Bùi Văn Huệ (SN 1977, trú thôn Bắc, xã An Bình). Đôi chân của anh Huệ bị liệt từ hơn 10 năm trước, trong một tai nạn lặn biển.

{keywords}

Chiếc xe độc đáo của anh Huệ. Du khách có thể bắt gặp anh tại cầu cảng, trong ngõ hẻm hoặc trên con đường vòng quanh đảo bé Lý Sơn.

Dõi cặp mắt hướng về biển khơi xa xăm, anh Huệ kể ngày trước anh cùng người thân đi lặn hải sản ở vùng biển Trường Sa. Do lặn quá sâu, áp suất nước chèn ép khiến anh bị tai biến, teo hai chân, liệt nửa người.

Trở về nhà với cơ thể bất động, gia đình đã đổ không biết bao nhiêu tiền thuốc thang nhưng không thể cứu nổi đôi chân của anh. Kể từ đó, chàng trai biển phải gắn đời mình trên chiếc xe lăn.

Bà Nguyễn Thị Tề (75 tuổi), mẹ anh Huệ cho biết gia đình có 10 người con trong đó có 6 con trai. Huệ là trai út, từ năm 16 tuổi đã theo các anh trai đi biển. Tai họa giữa biển khơi khiến gia đình mất đi một lao động chính. Các anh chị lần lượt lập gia đình. Giờ trong nhà chỉ còn hai ông bà với đứa con bại liệt.

“Thời gian đầu tôi chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều cậy nhờ bố mẹ già và các anh chị. Ngồi cho vững trên xe đã khó chứ đừng nói làm việc gì”, anh Huệ thở dài nghĩ lại.

Thế rồi một ngày người dân đảo bé thấy anh ngồi dậy trên xe lăn đan lưới. Anh đan rất nhanh và khéo. Ngư dân ở An Bình tìm đến thuê anh đan lưới ngày càng nhiều, giúp anh vừa khuây khỏa lại vừa có thu nhập đỡ đần bố mẹ già.

“Một lần tôi xem trên ti vi, thấy những chú chó được sử dụng để kéo xe trượt tuyết, tôi nảy ra ý định nuôi chó để kéo xe lăn cho mình. Tôi thực sự không muốn ngày nào cũng ngồi một chỗ”, anh Huệ kể.

Và rồi, anh đã chế ra cỗ xe độc nhất vô nhị này.

10 năm dùng chó kéo xe lăn

6h sáng, anh thức dậy cùng đàn chó trung thành. Sau ít phút ‘tập thể dục’, cỗ xe độc đáo của anh lăn bánh trên con đường quanh đảo.

Nhà sát bờ biển, từ trong sân có thể nghe được tiếng sóng vỗ, thấy hòn đảo lớn Lý Sơn nên anh Huệ làm ra cỗ xe này vì "nhiều năm ngồi một chỗ, thấy chồn chân quá, nhất là mỗi ngày lại thấy từng con tàu vào ra".

{keywords}

Anh Bùi Huệ đi dạo trong xóm bằng cỗ xe độc đáo.

Anh kể: Lúc nảy ra ý định dùng chó kéo xe, người thân đều bật cười. Bố mẹ lo lắng vì sợ anh ngã. Chú chó đầu tiên anh đặt tên là Nô, đã gắn bó với người đàn ông tật nguyền này hơn 10 năm qua.

“Lúc đầu mỗi con Nô kéo. Tôi huấn luyện để nó nghe được hiệu lệnh, đi và dừng lại, rẽ trái, rẽ phải. Sau đó tôi nuôi thêm con nữa, là con Phô. Hai con này kéo với nhau rất ăn ý”, anh Huệ vui vẻ kể.

Bây giờ cỗ xe của anh đã có đến 4 chú chó kéo, nhưng vẫn di chuyển nhịp nhàng. Sự có mặt của anh cùng với cỗ xe kéo là một nét thú vị trên hòn đảo hoang sơ và yên bình này.

{keywords}

Những chú chó rất khôn và trung thành.

“Mấy con chó giờ như bạn thân của mình rồi”, anh Huệ tâm sự. Sắp qua tuổi bốn mươi, khao khát có một người bạn trăm năm, một tổ ấm riêng của anh cũng đã nhạt dần. “Chúng nó khôn lắm, cứ quấn bên tôi cả ngày. Con Nô già rồi tôi không bắt nó kéo nữa, nhưng đi đâu cũng chạy trước!”, anh kể.

“Trước đây nó cứ ngồi một chỗ, tôi thương con lắm nhưng chẳng biết làm sao. Bây giờ nhờ có chiếc xe, nó đi lại được cũng khuây khỏa. Chiếc xe cùng những con chó đã như là đôi chân thứ 2 của nó rồi”, bà Tề chia sẻ.

Cao Thái