Lưu Quang Minh sinh năm 1985, cùng với nghệ sĩ Nguyễn Hùng Cường (Trống của Màu Nước Band hiện tại) thành lập Dàn nhạc Maius xuất thân ban đầu là dàn nhạc Sinh viên với tên sơ khai là Rhapsody Philharmonic sau này được đổi tên thành Maius Philharmonic và phát triển con đường chuyên nghiệp với danh xưng Maius. Dàn nhạc do Lưu Quang Minh chỉ huy từng tham gia nhiều chương trình lớn như Monsoon Music Festival (2015), liveshow Đam mê của ca sĩ Tuấn Hưng (2016), liveshow Fragile của Hà Anh Tuấn (2017)... Năm 2021, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng, Lưu Quang Minh đã ghi dấu ấn khi phối khí đĩa Human cho ca sĩ Tùng Dương và giúp anh giành 3 giải Cống Hiến.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh là người gắn bó với Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức. Anh từng để lại dấu ấn khi phối khí lại nhiều ca khúc nổi tiếng như: Chiếc Khăn Piêu, Người lái đò trên sông Pô Cô. Năm nay 2022, Lưu Quang Minh tiếp tục được BTC nhờ phối khí cho chương trình với 3 tác phẩm: Đất nước tình yêu do Phạm Thu Hà trình diễn, Sống như những đoá hoa (Mỹ Anh biểu diễn) và Em có nghe âm thanh ngày mới do ca sĩ Đăng Dương trình bày.
Phối khí những ca khúc hiện đại và những ca khúc đã quá nổi tiếng, anh thấy khó khăn và thuận lợi gì?
Với những ca khúc mới bây giờ, lợi thế là nó gần gũi với thời đại hơn, tròn trịa rõ ràng hơn về cấu trúc. Ví như sắp tới đây ở chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 được truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 14h ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi có phối khí lại ca khúc Sống như những đoá hoa. Đây là ca khúc nhạc Pop gần gũi với thời đại, cấu trúc rõ ràng, đó là một thuận lợi đối với tôi khi chuyển sang phong cách giao hưởng.
Với ca khúc cũ sẽ khó hơn về cấu trúc, bởi thời của các bậc tiền bối, họ sẽ viết ca khúc theo cảm xúc của mình hơn. Đôi khi có chỗ về cấu trúc mình phải làm lại hoà âm để ca khúc đó mang lại hơi thở mới hơn, gần gũi hơn, thêm tiết tấu mới phù hợp với hơi thở của dàn nhạc.
Khi khối khí các ca khúc cũ, anh từng nhận phản ứng không hài lòng từ chính tác giả và người nghe?
Có điều rất khắt khe đối với người làm khí nhạc đó là không được phép sai sót. Về mặt kỹ thuật, khi viết cho dàn nhạc có rất nhiều nhạc cụ, việc sai sót sẽ rất nguy hiểm, khi có sai sót, sửa trên dàn nhạc không đơn giản như chơi trong ban nhạc. Chính vì thế, khi tôi chuyển soạn phần khí nhạc hay phối ca khúc tôi phải cân đong đo đếm, tính toán làm sao cho ra một tác phẩm hoàn hảo nhất, phù hợp nhất giao diện ca khúc.
Đối với cá nhân, khi làm việc tôi luôn cố gắng hoàn hảo nhất. May mắn các phần phối lại của tôi các nhạc sĩ không ý kiến gì, một số tác giả còn ủng hộ cách phối của tôi. Còn các nghệ sĩ đã mất tôi không có cơ hội nghe ý kiến của họ. Ít nhất tôi nhận được phản hồi tốt của chỉ huy dàn nhạc, ca sĩ và quan trọng nhất là chính khán giả đã nghe ca khúc đó.
Để không được phép sai sót, nhạc sĩ sẽ phải có những kỹ năng gì?
Nếu nói về kỹ thuật phối khí hầu hết những người làm âm nhạc đều sẽ được học giống nhau. Điều cơ bản sẽ mang tính riêng biệt đó chính là cảm xúc của nhạc sĩ đối với tác phẩm đấy. Chính vì thế, khi phối lại ca khúc sẽ có phần giống nhau, có phần mang tính riêng, dấu ấn cá nhân của người nhạc sĩ phối khí lại. Cho nên, cùng một bài hát nhưng nhạc sĩ phối khí khác nhau sẽ mang hơi thở khác nhau.
Là nhạc sĩ, anh có hỗ trợ gì trong sự nghiệp ca hát của vợ mình – ca sĩ Tăng Ngân Hà?
Thực ra là có nhưng cũng không nhiều, một vài sản phẩm của vợ tôi hỗ trợ phần sáng tác hay phối khí. Nhưng công việc hiện tại của vợ tôi là đang xây dựng nền tảng VAB giúp các nghệ sĩ/ các nhà sáng tạo dễ dàng kết nối, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rút ngắn khoảng cách với công chúng. Hiện tại tôi đang hỗ trợ cho vợ dự án này của vợ.
VAB là một dạng web-app được thiết kế gần giống với một trang thông tin, trên đó được phân chia ra rất nhiều mục khác nhau. Mỗi mục có chức năng riêng như profile nghệ sĩ (trong đó có tóm tắt tiểu sử, giải thưởng, các sản phẩm âm nhạc dạng audio…).
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng trong việc nhanh chóng tìm kiếm được nghệ sĩ phù hợp với chương trình, tiết kiệm được chi phí, giúp cho các đơn vị tổ chức các show ca nhạc hoặc các sự kiện văn hóa giải trí thuận tiện trong việc biên tập chương trình và tiếp cận với các nghệ sĩ ở mọi phân khúc.
Tôi hy vọng trong tương lai, dự án sẽ giúp cho các nghệ sĩ, không chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng mà cả nghệ sĩ trẻ đều có cơ hội đưa tên tuổi của mình gần hơn với khán giả, bảo vệ bản quyền và chất xám của họ.
Đã có bao nhiêu nghệ sĩ tham gia vào hệ thống này?
Tôi không trực tiếp quản lý nhưng được biết hiện tại đã có khoảng 300 – 400 nghệ sĩ đăng ký vào hệ thống. Sẽ có quy trình rất chặt chẽ khi tham gia vào hệ thống này chứ không phải cứ đăng ký là xong.
Ánh đèn sân khấu luôn có sức hút khó cưỡng với ca sĩ, nhưng vợ anh lại tạm rời xa nó để làm các công việc hậu trường, anh định hướng hay đó là sự lựa chọn của cô ấy?
Con đường này là cô ấy lựa chọn. Xuất thân là “dân” maketing và từng làm nhiều dự án khác nhau nên cô ấy lựa chọn, tôi cũng rất ủng hộ. Cô ấy luôn trăn trở, mỗi nghệ sĩ đều có giá trị riêng biệt cả về cá tính, sự nghiệp hay phạm vi hoạt động khác nhau. Từ trước tới nay chưa thực sự có cơ sở nào để định giá được giá trị của một nghệ sĩ. Người trong nghề thường sẽ đánh giá dựa trên tần suất tên tuổi của nghệ sĩ với công chúng, thành tựu của họ - và hiện nay còn có một phương diện nữa là truyền thông số với lượt nghe, lượt yêu thích, lượt xem tương tác cùng sản phẩm. Cho nên VAB là “đứa con” cô ấy ấp ủ 5 năm mới “sinh nở”.
Thế còn anh, từng khởi xướng cho một dàn nhạc nhí đầu tiên ở Việt Nam với khát vọng sẽ xây dựng một dàn nhạc mang tính quốc tế tại Việt Nam, sau hơn 10 năm anh thấy dự án của mình đang ở tầm nào rồi?
Xuất phát từ trại hè âm nhạc Maius dành cho thanh, thiếu niên lứa tuổi 9-16 đã và đang học nhạc cụ cổ điển, tôi muốn xây dựng sân chơi cho các bạn. Tôi biết, sân chơi cho các bạn sinh viên cổ điển rất ít. Họ ít cơ hội biểu diễn cùng nhau.
Những dàn nhạc trẻ châu Á, Đông Nam Á đã rất thành công và các nghệ sĩ Việt Nam được tham gia trong dàn nhạc đó rất tự hào. Tại sao mình lại không xây dựng được một dàn nhạc mang tính quốc tế tại Việt Nam. Và bắt đầu từ lứa tuổi còn rất nhỏ, 9-16 tuổi để tạo nền tảng và tiền đề cho các thế hệ.
Mọi thứ khi bắt đầu đều khó khăn nhưng rõ ràng cho tới thời điểm này, tôi đã truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ. Đến bây giờ, nó không còn là giấc mơ mà đã thành một con đường. Cứ đi đến khi nào không thể, có thể mình không thành công nhưng đã tạo ra tiền đề để thế hệ sau có thể nhìn vào thành công hay thất bại của mình và làm điều gì đó tốt hơn.
Tháng 5 vừa qua, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng tổ chức trại hè cho các bạn trẻ ở Nha Trang. Có nghĩa là, ít nhiều tôi đã làm thay đổi tư duy nhận thức, và các bạn trẻ có nhiều cơ hội chơi nhạc cổ điển hơn.