Không phải chuyện phân biệt sang hèn cao thấp, mà chính bởi nghề nào muốn làm giỏi cũng đều không dễ, nếu không muốn nói là khó, cực khó.
Câu chuyện “Giảng viên bán xôi” mới được xới xáo lại gần đây, nhưng thực ra bản chất vấn đề đã có từ lâu và chắc chắn cũng… còn lâu mới kết thúc. Nghề tay trái, trái nghề, làm thêm… hẳn có gốc gác từ câu cửa miệng không ai là không thuộc “đói đầu gối phải bò”! Đầu gối vốn cách xa mặt đất, mà phải “bò”, tức sát đất cũng lại là chuyện rất đáng nói dù chỉ mấy chữ quen thuộc hàng ngày.
Hồi những năm 80 thế kỷ trước, số bạn bè chúng tôi sau khi tốt nghiệp đại học về nhận công tác ở viện nọ, viện kia, oách là thế nhưng một thời gian thì các viện sĩ hết sĩ diện, đua nhau đi xuất khẩu lao động CHDC Đức; chưa kể phần lớn sau khi ra trường, va vào cuộc sống, tóe ra khắp nơi với đủ nghề, đủ kiểu, không cần biết mình xuất thân từ “lò” nào, mộng mơ một thuở ra làm sao….
Rồi chuyện cả cơ quan bóc lạc, nuôi lợn… những mong kiếm thêm thu nhập, đồng ra đồng vào. Cả làng, cả tổng như thế, chỉ có người không chịu làm gì, đói nhăn răng mới là xấu, đáng chê trách. May mà thời ấy qua mau, chỉ là thời vụ, tranh thủ xa bờ.
Ông bạn tôi học đại học dở dang, về quê vừa làm vừa học, thi tiếp vào trường khác thích hợp hơn. Ban ngày vào rừng lấy nứa, ban đêm bày sách vở ra “cày”. Chả sao cả, dân làng khen, gia đình hỗ trợ, thi đỗ lại hăm hở vươn tới “cổng trường đại học cao vời vợi”, nơi bao người mơ ước mà đâu dễ làm được thời ấy (khác hẳn việc chiêu sinh mãi vẫn thiếu sinh viên như bây giờ).
Đúng, bây giờ “giảng viên đi bán xôi” (xin hiểu rộng ra là nghề tay trái, trái nghề, làm thêm…) có nhiều chuyện phải bàn đấy.
Nghề tay trái, trái nghề, làm thêm… hẳn có gốc gác từ câu cửa miệng không ai là không thuộc “đói đầu gối phải bò”! |
Rất đồng tình ý kiến không thể/không được/không nên coi thường nghề bán xôi. Nhưng ở đây, không phải chuyện phân biệt sang hèn cao thấp, mà chính bởi nghề nào muốn làm giỏi cũng đều không dễ, nếu không muốn nói là khó, cực khó.
Tôi có đứa em học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học được giữ lại làm giảng viên. Thời kỳ ra Hà Nội làm luận văn thạc sỹ, khó khăn nên đăng ký với một trung tâm để tìm việc làm thêm.
Không biết có phải vì lạ nước lạ cái, hay vì điều gì nữa mà ngay phút giây đầu tiên, đứa em đã bị “xơi” ngay quả đắng. Tuần trước đến nộp tiền lệ phí , “trung tâm” có nhà,có cửa, có biển hiệu đuề huề, tuần sau thực hiện công việc thì “trung tâm” mất tăm, mất tích đẩu đâu, tiền mất, may mà tật không mang, chỉ mang mỗi “bài học” và món học phí đầu đời đáng nhớ nơi nhộn nhạo này!
Đứa em thạc sỹ hồi nào, không làm thêm được nên phải “tư duy phát triển”, giờ đã là tiến sĩ, chịu khó cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa và đến lúc này là giảng viên thực thụ. Giảng dạy chính khóa, chính quy bên cạnh hội thảo, chuyên tu, tại chức, viết vặt, mở lò dạy thêm…, từ xe đạp lên xe máy và giờ lên ôtô vi vu khắp nẻo, lúc nào cũng bận.
Còn chuyện này thì của chính… bà bán xôi ngay trước cổng xóm liên cơ gần cơ quan tôi.
Sở dĩ phải nhắc xóm liên cơ (nhiều cơ quan) là bởi việc chọn điểm bán ở cổng xóm ấy là một tính toán rất căn cơ của bà bán xôi. Nhiều người, nhất là bọn trẻ thức khuya, ngủ muộn, sáng ra thế nào chả tạt vội vào tìm bữa sáng, tiện lợi đủ bề.
Xôi lạc, xôi đỗ, xôi xéo bán với trứng đúc thịt, giò chả, ai ăn cũng tấm tắc khen, nhất là dịp mùa đông ngoài trời se se lạnh. Bà hàng xôi lại xởi lởi nói cười, khi dày lát trứng cho người quen này, khi lùm cao bát xôi ngùn ngụt thơm cho kẻ có vé “ăn sáng tháng” kia…
Đang yên lành thì có hôm cơ quan tôi bỗng… thất thanh, réo rắt tiếng của người quen ơi là quen mỗi sáng, là bà bán xôi. Rằng, “thằng Tú mô, thằng Sáu mô, thằng Hòa mô, trả tiền ngay và luôn. Nợ cả tháng không chịu trả, bà lấy gì mua nếp, mua trứng đây. Thằng Tú, thằng Sáu, thằng Hòa trốn mô, bà réo cho cả làng biết… Nợ cả tháng, cả cơ quan như ri thì mai mốt bà sạt nghiệp a..a..a..???”,
Thế là rõ. Bắt đầu đã khó, kết thúc có khi lại còn khó hơn!
Rồi bà bán xôi bỏ nghề vì dạo này trái đất nóng lên, mùa nào cũng nóng kinh khủng, buổi sáng khô miệng xôi không nuốt nổi. Nhưng con bà, mày mò học hỏi, thất bại nhiều hơn thành công cuối cùng đã mở được nhà hàng cháo lươn kiêm cà-fe bóng đá lúc nào cũng khách nườm nượp ngay trước cổng cơ quan tôi. Anh này dẻo mồm dẻo mỏ, hút khách không tưởng, ai đó có lần nói vui “Chú mi phán cứ như… giảng viên í !”
Ông bạn già tôi kể ở trên, luấng quấng thế nào cũng là… giảng viên trường văn hóa-nghệ thuật trước sự kinh ngạc của bao bạn bè, khi về hưu vẫn cứ lại “giật lùi”… làm thêm, cụ thể là dạy thêm. Mỗi lần gặp mặt bạn xa về thủ đô, mời ông bao giờ cũng nhận được câu trả lời “Mình sẽ đến, vui quá. Nhưng xin phép đến muộn và phải đi sớm, vì hôm đó mình có giờ…” Chao ôi, về hưu rồi mà cái gì với ông anh cũng quan trọng, hệ trọng đến thế.!
Lứa chúng tôi có người đã chờ ngày về hưu bế cháu, đuổi gà. Vậy mà đến giờ vẫn chưa/không biết mình thuộc loại nên/cần/phải tư duy phát triển hay… giật lùi?