Tại cuộc họp vào ngày 12/10/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình vào cuối tháng 10 này về phương án tắt sóngtruyền hình analog tại 26 tỉnh thuộc giai đoạn 2.
Theo đó, tại 7 tỉnh có vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 đã đạt điều kiện tắt sóng và có thể thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trong tháng 12 sẽ thực hiện tắt sóng đúng vào thời hạn của Đề án là ngày 31/12.
7 tỉnh nằm trong danh sách này gồm có: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bình Dương, Vĩnh Long và Hậu Giang. Trong số 7 tỉnh này chỉ có Hải Dương là có một số khu vực bị núi che chắn chưa có sóng DVB-T2 thuộc Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách. Tại Vĩnh Phúc tuy đã có sóng DVB-T2 trên toàn bộ địa bàn, nhưng có một số địa bàn của huyện Sông Lô, Tam Đảo, Lập Thạch sóng DVB-T2 thu hơi kém do địa hình lồi lõm. Còn tại các tỉnh khác đều đã có sóng DVB-T2 phủ toàn bộ địa bàn với chất lượng thu xem đủ điều kiện tắt sóng.
Đây là 7 tỉnh thuộc địa bàn phụ cận với các thành phố đã tắt sóng truyền hình analog từ giai đoạn 1, do đó các hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn cũ của Trung ương) tại các tỉnh này đã được nhận hỗ trợ đầu thu từ giai đoạn 1. Từ nay đến cuối năm 2016, Bộ TT&TT sẽ chỉ thực hiện hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới. Số lượng ước tính sơ bộ ban đầu sẽ có khoảng 59.185 hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn mới) của 7 tỉnh nói trên sẽ được nhận đầu thu trong đợt tắt sóng analog lần này. Tỉnh có số lượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đông nhất là Hải Dương (27.114 hộ), Hưng Yên (18.725 hộ), Vĩnh Phúc (5.586 hộ), Hậu Giang (4.205 hộ), Bắc Ninh (1.012 hộ), riêng Bình Dương không còn hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, hiện tại vùng phủ sóng truyền hình số đã sẵn sàng, việc còn lại chỉ là triển khai hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo và cận nghèo. Bộ TT&TT quyết tâm sẽ tổ chức mua sắm và lắp đặt đầu thu kịp thời trước 31/12 và sẽ đề xuất Ban chỉ đạo cho tắt sóng truyền hình analog với 7 tỉnh này luôn vào thời điểm 31/12.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, việc tắt sóng truyền hình analog đúng thời hạn tại các tỉnh có đủ điều kiện tắt sóng sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực có nguồn thu. Nếu chưa tắt sóng analog, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực cứ phải phát sóng miễn phí kéo dài, sẽ thiệt hại cho các doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp phải chi phí đầu tư lớn. Việc tắt sóng đúng thời hạn cũng là để người dân sớm được thụ hưởng thông tin trên truyền hình số với chất lượng cao hơn truyền hình analog.
Để thực hiện mua sắm đầu thu và triển khai lắp đặt trong vòng 2 tháng nữa, Bộ TT&TT sẽ triển khai phương án mua sắm trực tiếp và phối hợp với các tỉnh để triển khai lắp đặt cho dân ngay sau khi hoàn thành thủ tục mua sắm.
Với kinh nghiệm triển khai ở Hà Nội trong tháng 8 vừa qua, chỉ trong vòng 5 ngày Bộ TT&TT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai lắp đặt cho hơn 18.000 đầu thu cho các hộ thuộc diện thụ hưởng. Để thực hiện được trong một thời gian ngắn, số lượng đầu thu cần lắp đặt lớn, cần nhất là có sự vào cuộc của Chính quyền địa phương các cấp.
Tại Hà Nội vào thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra công điện khẩn cho chủ tịch các quận huyện vào cuộc trực tiếp chỉ đạo chính quyền cấp, xã phường phối hợp với nhà thầu để triển khai lắp đặt đầu thu trên địa bàn. Kết quả chỉ trong vòng 5 ngày hơn 18.000 đầu thu đã đến tay hộ nghèo, cận nghèo kịp thời trước ngày Hà Nội tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/8/2016.
Việc triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2 được cho là phát sinh rất nhiều vấn đề phải giải quyết cho nên không thể cùng lúc tắt sóng truyền hình analog tại 26 tỉnh được mà phải triển khai trên từng địa bàn, theo từng giai đoạn. Theo đề xuất mới đây của Cục Tần số Vô tuyến điện, giai đoạn 2 sẽ thực hiện số hóa truyền hình trên toàn địa bàn của 12 tỉnh có thuận lợi trong triển khai truyền hình mặt đất gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Số hóa truyền hình một phần các tỉnh đang được phủ sóng truyền hình analog mặt đất bằng các trạm phát chính tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.
Các địa bàn sẽ số hóa sau giai đoạn 2 (có thể là giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4) bao gồm: toàn bộ 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn đang phủ sóng truyền hình analog bằng các trạm phát lại tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.