Việt Nam chuẩn bị cho cuộc chơi 5G

Việc các quốc gia cần chuẩn bị những gì để triển khai 5G hiệu quả nhất được các diễn giả đề cập nhiều nhất tại Hội thảo quốc tế “Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT” do Cục Tần số Vô tuyến điện tổ chức sáng ngày 8/6/2017 tại Hà Nội.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho biết, khi 5G phát triển thì nhu cầu tiêu dùng dữ liệu cho xã hội tăng rất nhanh, số lượng thiết bị kết nối rất nhiều có thể lên đến hàng tỷ thiết bị. Khác với 3G, 4G thì thiết bị kết nối ở cự li xa là chủ yếu, có khi đến vài trăm mét hoặc vài km. Nhưng với với 5G thì thiết bị kết nối trong phòng sẽ tăng lên đáng kể, cự li kết nối rút ngắn lại có khi chỉ trong phạm vi vài mét hoặc vài chụt mét. Do sự khác biệt rất lớn này nên đặt ra vấn đề chính sách quản lý tần số cần thay đổi thế nào trong môi trường kết nối với cự li rất gần. Đây là một thách thức rất lớn trong quản lý tần số.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dữ liệu tăng lên ngoài việc phải tạo cho tốc độ kết nối tăng lên, thì việc kết nối cự li gần nên cần những băng tần số cao, băng thông rộng, các băng tần này còn có thể linh hoạt và tái sử dụng.

Một vấn đề cần xem xét là mức giá phổ tần số thế nào để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể khai thác dịch vụ thuận lợi. Khi triển khai 5G nhu cầu sử dụng băng tần của các nhà mạng rất lớn nên giá sử dụng phổ tần phải thấp, nhất là ở các băng tần cao giá cũng rẻ hơn, bởi vì nếu giá cao sẽ khó khăn cho các nhà mạng.

Ông Tuấn cũng đặt ra câu hỏi với việc phân biệt băng tần nào cần cấp phép và băng tần nào không cần cấp phép. Đối với dịch vụ băng rộng di động, người dùng đòi hỏi nhà mạng lúc nào cũng phải cung cấp sóng khỏe, lúc nào cũng phải có sóng, thậm chí họ còn tự dùng các thiết bị kích sóng di động gây nhiễu là một ví dụ. Do đó, nhà nước cũng cần tính toán việc sẽ không cấp phép băng tần sử dụng trong nhà để người dân tự trang bị thiết bị Wi-Fi để sử dụng đối với những băng tần cao.

Về tính tương thích điện từ liên quan đến an toàn với sức khỏe của con người cũng là việc mà các cơ quan quản lý cần xem xét. Khi mọi thiết bị trong nhà đều trở lên thông minh, mọi thiết bị kết nối thì con người sống trong một môi trường có rất nhiều sóng vô tuyến, nên phải quản lý làm sao để các thiết bị này không nhiễu cho nhau.

Theo ông Tuấn, Bộ TT&TT đang chủ động chuẩn bị nắm bắt cuộc chơi, chủ động chuẩn bị về chính sách cho kỷ nguyên IoT và 5G sắp tới. Hiện tại Bộ TT&TT đã cho phép các doanh nghiệp sử dụng băng tần trước đây cấp cho 2G, 3G sử dụng cho dịch vụ 4G. Với băng tần miễn cấp phép sẽ phải mở băng tần 5GHz sớm để dùng cho WiFi, mở ra cả băng tần 4GHz cho 4G, đáp ứng yêu cầu sử dụng dữ liệu.

Cục Tần số Vô tuyến điện và Viettel đang kết hợp thử nghiệm về chính sách sử dụng một số băng tần cao để từ đó đưa ra quyết định có nên là miễn cấp phép hay là dùng băng tần dành riêng đối với những băng tần cao này. Cục Tần số Vô tuyến điện cũng tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế, cử người tham gia nhóm nghiên cứu của ITU và các tổ chức về viễn thông, tần số trong khu vực cùng tham gia thảo luận xây dựng chính sách chung.

Phải hài hòa hóa tần số cho công nghệ 5G

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng khuyến cáo các quốc gia phải sớm chuẩn bị chính sách cho 5G và phổ tần số cho cả 5G cả băng tần cấp phép cũng như băng tần không cần cấp phép.

Ông Peng Zhao, Giám đốc chính sách khu vực của GSMA cũng cho hay, 5G đang đến rất gần, nhiều nhà khai thác tại các quốc gia châu Âu đang chuẩn bị cho việc tiếp nhận 5G và thế giới sẽ có sự phát triển đồng thời của 4G, 5G và cả 3G nữa. Nên các quốc gia cần có sự chuẩn bị để triển khai 5G hiệu quả nhất, trong đó cần chuẩn bị chính sách sẵn sàng để cấp phép cho triển khai 5G, trong cuộc cách mạng 4.0 và xu thế phát triển của Internet vạn vật (IoT) việc sử dụng 5G là nền tảng phát triển các ứng dụng khác nhau.

Chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khá nhiều ứng dụng đã được triển khai trên nền tảng 4G, một số ứng dụng sẽ được phát triển cho 5G. Tương lai 5G sẽ có nhiều ứng dụng khác nhau, yêu cầu khác nhau so với 4G. Ví dụ, như yêu cầu về độ trễ rất thấp, 1 ô tô kết nối nếu dùng 4G độ trễ lớn hơn, nhưng dùng 5G độ trễ ít hơn nhiều, việc giảm độ trễ sẽ giúp cho việc điều khiển phương tiện được an toàn hơn. Giả sử công nghệ 4G độ trễ khoảng cách là 4m khi điều khiển phanh thì với 5G độ trễ chỉ còn 2,5cm.

Ông Peng Zhao cho biết, sẽ có 1 tỷ thiết bị kết nối IoT vào năm 2020, dung lượng kết nối khoảng 4 tỷ Gb trong năm 2021. Ở châu Á Hàn Quốc sẽ trình diễn 5G tại Thế vận hội Olympic mùa Đông và sẽ triển khai cung cấp dịch vụ vào năm 2019. Một số nhà khai thác dịch vụ ở châu Âu cũng đã thông báo cho GSMA về kế hoạch triển khai 5G ở các thành phố lớn ở châu Âu, các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Trung Đông cũng đã bắt tay chuẩn bị triển khai 5G.

Ông Peng Zhao nhấn mạnh tới tầm quan trọng đặc biệt của phổ tần số đối với triển khai 5G tại các quốc gia. Khi nói đến 5G thì điều cần nhất là phổ tần số dành cho 5G cả dịch vụ cố định và di động. Nhu cầu băng tần cho 5G cũng rất đa dạng, do đó cần phải có nhiều hoạt động để hài hòa tần số cho công nghệ 5G. Không chỉ dùng băng tần từ 1- 6Ghz, mà còn cần sử dụng cả băng tần cao hơn 6Ghz, để dành những băng tần thấp hơn sử dụng cho các vùng nông thôn.

“Cần có quá trình hài hòa hóa tần số cho công nghệ 5G, để đảm bảo tần số tốc độ cao cho 5G. Hiện tại một số nước đã công bố băng tần cho 5G. Ví dụ, châu Âu dành 700Mhz cho 5G, Mỹ là băng tần 600Mhz, Trung Quốc hay một số quốc gia khác cũng đã có sự chuẩn bị băng tần cho 5G. Các quốc gia cần nhanh chóng có tần số cho 5G để có thể phát triển 5G nhanh nhất với chi phí thấp”, ông Peng Zhao phát biểu.

Cũng theo ông Peng Zhao, băng tần được cấp phép vẫn là băng tần cơ bản cho triển khai 5G, cũng có thể có một số băng tần không cần cấp phép. Chuẩn bị tần số là việc vô cùng quan trọng cho triển khai 5G, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp khi chuẩn bị 5G. Việc cấp tần số phải đảm bảo trung lập về mặt công nghệ, đảm bảo tần số cho công nghệ 2G và 3G có thể tái sử dụng cho 5G.