- Cách giảng dạy của Nhà giáo Nhân dân Shatalov là cho phép co ngắn chương trình phổ thông đi khoảng 2 năm học. Điều này có lợi cho nhịp hoạt động khẩn trương thời kinh tế trí thức và tiết kiệm thời gian cho quy trình đào tạo nguồn nhân lực.


Không thầy, đố mày…

Tiểu sử của các thiên tài có đặc điểm chung là những người viết chúng thường bắt đầu từ thuở nhân vật chính của mình mới cắp sách đến trường… Phổ biến một quan niệm rằng nhà sư phạm thường là người “khơi” dòng sông tài năng trẻ, hoặc, người thầy có tài là “khoản đặt cược” cho một sự nghiệp thành công của trò.

Từ xưa, và gần như ở bất cứ đâu, các bậc cha mẹ, vốn quan tâm máu thịt đến tương lai của con, săn lùng các thầy cô giỏi, hoặc tập thể các nhà sư phạm, sẽ đưa con mình vào đời từ một xuất phát điểm đảm bảo thành công. Đồng thời, không ai có thể cam kết 100% là nhờ thầy giỏi, trò rồi sẽ giỏi.

Đánh giá đúng hiệu quả lao động của nhà giáo là vấn đề “nóng” đang đặt ra ở nhiều quốc gia. Ở Nga hiện nay vẫn hiện hành một hệ thống phương pháp sư phạm từ thời Xô Viết, từng được biết đến ở Việt Nam thời chiến, đó là chương trình giảng dạy do nhà giáo Victor Shatalov soạn thảo.

Đột phá giáo dục thời “trì trệ”

"Cuộc thực nghiệm vẫn tiếp tục". Tác giả: Victor Shatalov

Từ 1970, tại một trường ở Liên Xô, bắt đầu ứng dụng thí điểm phương pháp Shatalov. Tại một lớp tám, người ta chọn 33 học sinh học lực bình thường, trong đó chỉ có gần 1/3 tốt nghiệp lớp bảy không có điểm 3 (trên 5), và về toán, không có em nào được điểm 5 nào, trong suốt năm học trước.

Nhưng nhờ phương pháp Shatalov, gần ½ học sinh lớp này tốt nghiệp lớp 8 thuộc diện khá, giỏi. Tới năm lớp 9, các em lớp này học vượt trước, sang chương trình lớp mười về toán và lý. Trả bài các môn đại số, hình học, vật lý trước một Hội đồng thi từ thủ đô Liên Xô xuống, có 22 em được điểm 5; 8 em được 4; chỉ có 3 em được 3 điểm. Tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, 24 em của lớp này đạt loại khá giỏi, trong đó có 3 huy chương vàng. Tất cả 33 em đều thi đỗ vào các trường đại học…

20 năm liền tiếp nối dạy theo phương pháp Shatalov mang lại kết quả là, tất cả các học sinh của trường đó đều vào Đại học (!). Cho tới năm 1990, từ những học sinh đầu vào thuộc diện trung bình, đã đào tạo được 64 phó tiến sĩ, 12 tiến sĩ, 64 kiện tướng thể thao…

Dễ thôi


Những học trò của Shatalov thường hoàn thành chương trình phổ thông vượt trước hai năm. Có được kết quả như vậy là nhờ thiết lập được hệ thống “tín hiệu trụ”, cho phép nắm vững một cách đáng tin cậy các lượng thông tin lớn, nhờ phương pháp ôn tập và đánh giá trình độ kiến thức, nhờ hệ thống độc đáo giải các bài tập, và nhờ cách thanh tra có hiệu quả quá trình giảng dạy.

Dù thời “cải tổ” Shatalov bị “cúp” các danh hiệu khoa học, chương trình thử nghiệm hệ thống bị ngưng, quyết tâm thử nghiệm các ý đồ về phương pháp dạy và học của tác giả không bị lay chuyển. Sau sụp đổ của Liên Xô, phương pháp Shatalov vẫn tiếp tục được thực hành có kết quả ở các cấp học trên phổ thông: các trường đại học, các trường sĩ quan, các học viện ở Nga…

Hiện tại, trong thời gian nghỉ hè, ông chỉ mất 5 – 6 ngày để “chạy” cho các học sinh ở Moscow cả chương trình toàn năm học của các môn đại số, lượng giác, hình học, hay vật lý (!) Các bậc phụ huynh kinh ngạc nhận thấy con mình có khả năng nhanh chóng nắm vững khối kiến thức đồ sộ.

Thầy Shatalov không “giữ miếng” gì cho mình. Ông chỉ rõ cách tránh nguy cơ bình quân trong giáo dục, cách giúp học trò thoát “học vẹt”, cách tạo sự tự tin trong các em, và sức thuyết phục, để tiến thân hoàn toàn bằng kiến thức…

Hiện nay, tại trường Đại học mang tên Ekaterina Đại đế, TP. Moscow, đang tiến hành các lớp dạy theo phương pháp Shatalov đối với lứa tuổi học trò (tiếng Nga và toán dạy dồn cho lớp 2- 3 - 4 và lớp 5 - 6; đại số dạy dồn cho lớp 9 - 10 - 11; ) dồn vào các ngày thường của chỉ một tuần của một tháng trùng kỳ nghỉ lễ.

Hoặc các lớp dạy kèm về tiếng Nga, tiếng Anh, toán vào các ngày chủ nhật… Chủ nhật hàng tuần có các buổi giảng về phương pháp Shatalov dành cho giáo viên.

“Điều kỳ diệu” Shatalov nằm ở chỗ cả học sinh, ban đầu thuộc cả diện học yếu và khá giỏi, thảy đều bước trên những “đôi hài bảy dặm”, mà không cảm thấy “quá tải”. Đối với các em này, không đặt thành vẫn đề có nên học toán cao cấp không, ra đời có cần biết thuật toán để làm gì không… Đối với các em, toán, lý là môn học “dễ thôi mà”.

Công nghệ “nén”

Thầy Shatalov (86 tuổi) vẫn lên lớp ở Moscow mỗi dịp hè

Hiện đã số hóa các bài giảng của thầy Shatalov, gồm 13 phim mỗi phim dài từ 7 – 11 tiếng. Mỗi chương trình của một năm học được thâu tóm vào một vài tiếng trên băng đĩa DVD. Hiện tại có các học sinh hệ tiếng Nga ở châu Âu và ở Mỹ học theo phương pháp Shatalov.

Hệ thống dạy và học theo trường phái Shatalov đã phát triển qua mọi thử thách của cả thời bao cấp lẫn thị trường. Nhà giáo nhân dân Liên Xô, nhà giáo công huân Ukraina Victor Shatalov được nhiều giải thưởng, danh hiệu trong nước và quốc tế (như giải thưởng của Quỹ Soros). Đã xuất bản hơn 50 sách của ông về khoa học giáo dục, được dịch sang 17 thứ tiếng.

Plutarch từng nói “Học trò không phải là cái bình để nhồi nhét kiến thức, mà là bó đuốc cần phải được châm lên”.

Nhà giáo Shatalov (SN 1927) hôm nay vẫn thử nghiệm nhằm hoàn thiện hệ thống của mình về cả lý thuyết và thực tiễn giảng dạy, để tẩm đẫm hương liệu cho những “bó đuốc” tỏa ánh sáng kiến thức…

  • Lê Đỗ Huy (tổng hợp)