Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh” đã thu hút sự chú ý của công luận. 

Đáng chú ý, Phiên 07 về “Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ” đã tập trung vào đánh giá tầm quan trọng và tính chống chịu của cơ sở hạ tầng dưới biển, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường an ninh các cơ sở hạ tầng này.

W-anhminhhoa-6.png
Ảnh minh hoạ

Nhiều ý kiến cho rằng mọi quốc gia dù có hay không có biển thì đều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng dưới đáy biển, trong đó có hệ thống cáp ngầm để kết nối và truyền tải thông tin, dữ liệu. Sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ngoài khơi càng gia tăng trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc chuyển dịch sang năng lượng xanh.

Tuy nhiên, các vùng biển thuộc khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Á, bao gồm Biển Đông, đều từng xảy ra các vụ việc mà cáp ngầm hoặc hệ thống đường ống dẫn dầu bị gián đoạn. Hai nhân tố chính tác động đến tính dễ bị tổn thương của hệ thống cáp ngầm là căng thẳng địa chính trị và việc một số tập đoàn công nghệ lớn nắm vai trò chủ đạo trong việc lắp đặt và điều hành hệ thống đường cáp biển.

Ngoài ra, có một số ý kiến bổ sung rằng tính dễ bị tổn thương của mạng lưới cáp ngầm xuất phát từ thực tế đây là hạ tầng cứng, không thể di chuyển, cùng với vị trí nằm dưới đáy biển dẫn đến việc khó giám sát và mất thời gian xử lý sự cố. Điều này khiến cơ sở hạ tầng đáy biển dễ trở thành mục tiêu tấn công và bị phá hoại.

Để giải quyết vấn đề này, các học giả cho rằng các quốc gia cần đặt an ninh cơ sở hạ tầng đáy biển là cơ sở hạ tầng thiết yếu, ở mức ưu tiên tương đương với an ninh kinh tế, quốc phòng.

Ngoài ra, tính phụ thuộc và vị trí trải rộng trên toàn cầu, rằng cần có khuôn khổ hợp tác ở cấp khu vực và quốc tế để bảo vệ việc xây dựng, duy trì và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Cuối năm 2020, các nhà khoa học ước tính 97% thông tin liên lạc toàn cầu được truyền bằng cáp đặt ngầm dưới đáy biển. Nó trị giá hàng ngàn tỉ USD và được mô tả là “không thể thiếu nhưng không an toàn”. 

Tiềm ẩn dưới đáy biển là những cuộc chiến tranh giữa các cường quốc về tài nguyên khoáng sản, hải sản, dầu mỏ và phòng thủ quốc gia… Nếu chiến tranh dưới đáy biển xảy ra, các cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp dẫn điện, đường ống dẫn dầu, cáp thông tin liên lạc quân sự, cáp Internet cùng mạng lưới cảm biến cảnh báo thời tiết, động đất, sóng thần… có thể bị phá hủy hoặc bị gián đoạn trong việc truyền dẫn.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV