Sự kiện do Bộ TT&TT Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, cơ quan Chuyển đổi số Nhật Bản và Trung tâm Hợp tác quốc tế và Tin học hoá Nhật Bản (CICC) đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc sự kiện này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, diễn đàn có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm phát triển xã hội số an toàn, toàn diện.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số và chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới của đất nước. Thách thức sắp tới của đất nước là xây dựng và duy trì thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ số của mỗi người dân và đưa toàn xã hội tiếp cận bình đẳng, an toàn với các dịch vụ trên môi trường số.
“Xã hội số được hiểu là tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên vào mọi mặt đời sống xã hội, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng được các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trên môi trường số, thói quen và văn hoá số”, đại diện của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho hay.
Từ đó, mục tiêu cụ thể phát triển xã hội số của Việt Nam đến năm 2025 là 80% dân số có điện thoại thông minh, 80% hộ gia đình có truy cập Internet cáp quang, 80% dân số độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán ngân hàng và các tổ chức tài chính được cấp phép khác, 50% người trưởng thành có chữ ký số, 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ số
Đồng tình với quan điểm xã hội số cần hướng tới mục tiêu tất cả người dân đều được sử dụng và hưởng lợi ích do công nghệ số mang lại, ông Atsushi Umino, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến cơ sở hạ tầng số quốc tế, thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ về kinh nghiệm của nước này trong xây dựng xã hội số.
Theo Atsushi Umino, Nhật Bản đã đưa ra Sáng kiến xây dựng vườn kỹ thuật số (Digital City Garden Nation), trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể với trọng tâm là hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ số làm nền tảng nâng cao năng lực thực hiện và không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, nước này đặt mục tiêu phổ cập Internet cáp quang không phân biệt trên đất liền, biển hay trên không; phát triển mạng lưới 5G phủ sóng 99% dân số đến năm 2030, mở rộng trung tâm dữ liệu và nghiên cứu phát triển mạng sau 5G.
Để thực hiện các mục tiêu này, Nhật Bản đưa ra các sáng kiến cơ chế tài chính mới, chẳng hạn như thành lập quỹ đóng góp bởi các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cho các địa phương vùng sâu, vùng xa thu không đủ chi khi phổ cập Internet băng thông rộng. Ngoài ra, đa dạng hoá nhà cung cấp dịch vụ và chia sẻ hạ tầng dùng chung (được nhà nước hỗ trợ tài chính) cũng là một trong các giải pháp Nhật Bản đang triển khai.
Xây dựng cơ quan chuyên trách quản lý dữ liệu toàn diện
Dựa trên nhận thức về việc dữ liệu là nguồn gốc phát triển và đổi mới sáng tạo, ông Ryosuke Chiba, Phó Giám đốc phụ trách chiến lược dữ liệu quốc gia, thuộc cơ quan Số Nhật Bản, cho biết cần thiết phải đưa ra chiến lược dữ liệu bao trùm (còn gọi là chiến lược dữ liệu toàn diện) và thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Theo ông Ryosuke, xã hội 5.0 lấy con người làm trung tâm với việc sử dụng công nghệ để giải các bài toán xã hội. Trong đó, chính phủ giữ vai trò lớn, không chỉ là bên sở hữu lượng dữ liệu lớn, mà còn là nền tảng của các nền tảng khác để tạo ra sự liên thông dữ liệu, giúp dữ liệu được kết nối và sử dụng tại bất kỳ đâu.
Tại Nhật Bản, dữ liệu được sử dụng tạo ra giá trị mới, đặc biệt với các lĩnh vực bán công như y tế, giáo dục, quản lý rủi ro thiên tai, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và thành phố thông minh. Ví dụ, trong đối phó với thảm hoạ thiên tại, dữ liệu được sử dụng nhằm tiêu chuẩn hoá các quy định, kết nối những hệ thống đối phó thiên tai trên cả nước cũng như phục vụ công tác phân tích và tối ưu hoá dữ liệu.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp ICT Nhật Bản cũng được khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ số ở nước ngoài theo chương trình hỗ trợ của Bộ Nội vụ và Truyền thông trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro về chính sách và tài chính. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thu thập thông tin thị trường, thiết lập đội ngũ quan hệ và được các chuyên gia tư vấn chuyên môn trong quá trình triển khai thực tế.
Bên cạnh những kinh nghiệm từ đại diện các cơ quan, ban ngành trực tiếp thực hiện chuyển đổi số tại Nhật Bản, Diễn đàn cũng nhận được nhiều đóng góp ý kiến, chia sẻ ứng dụng điển hình trong lĩnh vực chuyển đổi số của doanh nghiệp 2 nước như VNPT, MobiFone, Voiz FM, Hitachi, Fujitsu, NEC, NTT Data…
Thế Vinh