Thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho hay, UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp về việc thực hiện dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai của thành phố.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cùng Sở KH&ĐT, Sở Tài chính và đơn vị liên quan rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án, xác định những việc đã thực hiện đúng, việc chưa thực hiện đúng; kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình cập nhật các thông tin, dữ liệu đã thực hiện được của dự án.
Sở TN&MT Hà Nội cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND cấp huyện xây dựng quy trình cập nhật CSDL đất đai trên địa bàn thành phố, đảm bảo CSDL đất đai được kết nối từ cấp xã đến cấp huyện và thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn, giám sát và thi công các gói thầu của dự án xác định khi nào thực hiện xong dự án nếu được cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí thực hiện, báo cáo UBND thành phố; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ các hạng mục của dự án; đề xuất các hạng mục tiếp tục, hạng mục cần nâng cấp, hạng mục cần loại bỏ.
Sở TT&TT Hà Nội chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành: TN&MT, Xây dựng, Giao thông Vận tải, NN&PTNT, Quy hoạch Kiến trúc, Điện lực Hà Nội... để đề xuất phần mềm cập nhật các dữ liệu, thông tin của các ngành.
Viện Quy hoạch xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, căn cứ kết quả dữ liệu thử nghiệm của đơn vị Hungary, đánh giá chất lượng đo đạc của dự án...
CSDL đất đai được lãnh đạo UBND Thành phố xác định là 1 trong 4 CSDL quan trọng, cốt lõi để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, cùng với 3 CSDL khác gồm CSDL doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, CSDL cán bộ công chức và CSDL lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.
Chính vì vậy, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2017 đã xác định rõ một chỉ tiêu chủ yếu của năm nay là duy trì cập nhật và khai thác hiệu quả CSDL dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố; đồng thời triển khai số hóa, xây dựng và duy trì 4 CSDL quan trọng: đất đai, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cán bộ công chức, tư pháp - hộ tịch.
Đối với nhiệm vụ xây dựng, cập nhật và khai thác chia sẻ các CSDL cốt lõi, theo báo cáo sơ kết công tác ứng dụng CNTT của Sở TT&TT Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố, trong nửa đầu năm nay, về triển khai số hóa dữ liệu, Sở TT&TT đã lập Tổ công tác liên ngành xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử và số hóa dữ liệu hộ tịch để thực hiện đánh giá kết quả số hóa CSDL từ sổ hộ tịch; đề xuất lộ trình, quy trình vận hành, khai thác sử dụng và yêu cầu thực hiện triển khai số hóa của Thành phố.
Đến cuối tháng 6/2017, toàn bộ dữ liệu Sổ Hộ tịch năm 2015 của quận Long Biên – đơn vị thí điểm, đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống eSAMS của Thành phố với tổng số 64 quyển số Khai sinh và Đăng ký kết hôn gồm 8.355 trường hợp với 282.113 trường dữ liệu. Kết quả số hóa đã giúp đơn vị khai thác hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác lưu trữ, khai thác, dịch vụ công...
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT đã số hóa toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Theo kế hoạch, hết tháng 8/2017 sẽ số hóa xong toàn bộ dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT và hết tháng 9/2017 sẽ đồng bộ dữ liệu đã số hóa lên Hệ thống CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT.
Đối với việc khai thác CSDL dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố, thời gian qua, công tác phối hợp và chia sẻ thông tin dân cư với các sở, ban, ngành của Thành phố đã được triển khai tích cực. Đến nay, Công an Thành phố đã nghiên cứu việc kết nối, khai thác CSDL dân cư để chia sẻ thông tin với Bảo hiểm Xã hội Thành phố, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, Cục Thuế, Sở KH&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các DVC TT phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế ... trên địa bàn Hà Nội.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, liên ngành Công an Thành phố và Sở TT&TT đã ký kết quy chế khai thác CSDL dân cư với Cục Thuế, Sở KH&ĐT; Sở LĐTB&XH đang phối hợp với Công ty Nhật Cường đề xuất giải pháp kết nối CSDL dân cư để phục vụ công tác quản lý người có công, hộ nghèo, hộ cận ngheo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người nghiện ma túy, người bán dâm trên địa bàn Thành phố; đồng thời triển khai thực hiện Quyết định 708 gày 25/5/20176 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt Đề án xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
Ngoài ra, theo Sở TT&TT Hà Nội, các hệ thống thông tin về quản lý đất đai, quản lý đô thị, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý đầu tư, tài chính sẽ được các đơn vị chủ trì tổ chức triển khai thực hiện trong các tháng cuối năm 2017.