Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 166/2024 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới. 

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định ổn định trước đây, đồng thời cập nhật một số quy định mới để triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện và phù hợp với thực tiễn.

xe may12 1 472.jpg
Cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng có thể làm dịch vụ kiểm định khí thải xe máy. Ảnh: Tư liệu 

Đáng chú ý, nghị định bổ sung quy định về điều kiện đối với cơ sở kiểm định khí thải xe máy để phù hợp với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đầu tư. 

Theo đó, nghị định bổ sung quy định trường hợp cơ sở đăng kiểm xe cơ giới được bố trí chung với bến xe, trạm dừng nghỉ thì không phải áp dụng quy định về diện tích. 

“Tuy nhiên, xưởng kiểm định phải đáp ứng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Khu vực kiểm định khí thải xe máy có diện tích tối thiểu 15m2

Một điểm mới trong Nghị định số 166 là quy định về điều kiện đối với cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Ông Nguyễn Tô An cho biết, điều kiện đối với cơ sở kiểm định khí thải cũng được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định khí thải xe máy.

Về điều kiện diện tích đối với cơ sở kiểm định khí thải cố định, khu vực kiểm định phải có diện tích tối thiểu 15m2, tương ứng với 1 thiết bị đo khí thải và có thể sử dụng chung với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa. 

“Đối với cơ sở kiểm định khí thải lưu động thì không cần phải đáp ứng quy định về diện tích nhưng trang thiết bị và phương tiện đo phục vụ cho việc kiểm định khí thải phải được lắp đặt cố định trên xe chuyên dùng kiểm định khí thải lưu động”, ông An cho hay.

Về nhân lực, cơ sở phải có tối thiểu 1 đăng kiểm viên hạng 3, hoặc hạng 2, hoặc hạng 1 và có nhân viên nghiệp vụ (nhân sự có thể kiêm nhiệm các vị trí nếu đáp ứng được chứng chỉ chuyên môn).

Phương án tránh nguy cơ ùn tắc kiểm định xe máy

Theo thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 70 triệu xe máy, số xe đã sử dụng 5 năm trở lên thuộc diện phải kiểm định khí thải là 80% (tương đương gần 56 triệu xe).

Khi tới thời điểm thực hiện kiểm định khí thải xe máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định. 

Nguyên nhân là do số lượng cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng được nhu cầu kiểm định theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lường trước tình huống trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra loạt phương án giải quyết. Việc Nghị định 166 được ban hành cũng là một trong những phương án phục vụ cho việc này.  

Theo ông An, ngoài việc sử dụng các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới đang sẵn có để kết hợp thực hiện kiểm định khí thải xe máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất sử dụng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy của các đại lý bán xe thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, các cơ sở xã hội hóa để tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe máy.

Nếu huy động các đại lý bán xe, các cơ sở xã hội hóa sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho việc kiểm định khí thải xe máy. Từ đó sẽ giúp giá dịch vụ kiểm định khí thải thấp nhất có thể.

Hiện tại, trên cả nước có gần 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe máy. Như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng sẽ hạn chế mức thấp nhất, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.