|
Với dịch vụ công trực tuyến, người dân sẽ hạn chế, thậm chí không cần phải đến cơ quan công quyền để làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
>> Bẫy trung bình trong dịch vụ công trực tuyến / 60% người dân chưa từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến / Nguy cơ lộ thông tin người dùng dịch vụ công trực tuyến / Cung cấp 11 nhóm dịch vụ công mức 3 ở địa phương
"Nâng trình" cho dịch vụ công
Gần đây, nhiều cơ quan Nhà nước liên tiếp công bố hiện trạng và kế hoạch triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 nhằm tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Điển hình như đầu tháng 11/2012, Sở TT&TT TP.HCM cho biết website của Sở hiện đã cung cấp 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (cấp phép hoàn toàn qua mạng) gồm: Chấp thuận họp báo; Chấp thuận hội thảo, hội nghị có yếu tố nước ngoài; Cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet. Với những dịch vụ công mức 4 này, hồ sơ sẽ được gửi đến Sở qua môi trường mạng, không cần nộp hồ sơ giấy, sau đó kết quả xử lý hồ sơ (hoặc giấy chấp thuận) cũng được cung cấp thông qua tài khoản tại Trang thông tin điện tử Sở TT&TT và email của người đã đăng ký. Dự kiến đến hết quý 1/2013, tất cả thủ tục hành chính của Sở TT&TT sẽ đều được cung cấp ở mức độ dịch vụ công mức 3 và 4.
Cũng trong tháng 11/2012, UBND Quảng Ngãi đã phê duyệt dự án Xây dựng 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh giai đoạn 2012 - 2013, gồm các dịch vụ: Đăng ký kinh doanh; Cấp giấy phép đầu tư; Cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; Cấp giấy đăng ký hành nghề y, dược; Cấp, đổi giấy phép lái xe; Cấp giấy phép báo chí, xuất bản; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thông báo lưu trú; Thủ tục hành chính, tư pháp...
Nhìn trên bình diện chung cả nước, số lượng các dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 đã có dấu hiệu tăng trưởng khá mạnh. Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 cho thấy cả nước đã 860 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 11 dịch vụ công mức 4 (8 dịch vụ do cấp UBND tỉnh, thành phố cung cấp, và 3 dịch vụ do cấp Bộ triển khai), trong khi năm 2008 mới chỉ có vỏn vẹn 30 dịch vụ công mức 3.
Một số liệu thống kê khác cũng thể hiện rõ sự tăng trưởng mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 là thống kê của Cục Ứng dụng CNTT năm 2010. Cụ thể, tại khối cơ quan Bộ, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt con số 27, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Tại các địa phương, đã có 38 địa phương cung cấp 748 dịch vụ mức 3 (năm 2008 chỉ có 6 địa phương, 2009 tăng gấp 3 lên 18 địa phương). 2 địa phương cung cấp nhiều dịch vụ mức 3 nhất là An Giang 139 dịch vụ trên tổng số 2.006 dịch vụ công, và Đà Nẵng - 74 dịch vụ trên tổng số 1.353 dịch vụ.
Tìm cách "hút" người dùng
Để đầu tư xây dựng một dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là những dịch vụ mức 3 - 4, các cơ quan Nhà nước phải tốn kém khá nhiều chi phí, thời gian và công sức. Thế nhưng, vẫn đang có hiện trạng sau khi đưa dịch vụ công vào hoạt động thì chờ mãi không thấy người dân, doanh nghiệp nào đến “xài”. Đã có Sở đầu tư hơn 200 triệu đồng cho 1 dịch vụ công nhưng sau cả năm chỉ có vài ba lượt click chuột.
Theo một khảo sát do Cục Ứng dụng CNTT - Bộ TT&TT tiến hành năm 2011 về mức độ người dân tham gia các hoạt động dịch vụ công trực tuyến, có tới gần 60% người dân nói rằng chưa từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và một nửa trong số đó không biết tới dịch vụ công trực tuyến.
Hiện chưa có thống kê mới nhất để cập nhật số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều cán bộ lãnh đạo phụ trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước vẫn khẳng định rằng không ít dịch vụ công trực tuyến vẫn “vắng” người dùng (ngoại trừ những trường hợp cá biệt như thủ tục hành chính về thuế, hải quan,..).
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện trạng ít người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Dễ thấy nhất là do thiếu thốn trang thiết bị tin học. Số liệu công bố trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 cho biết năm 2011, cả nước mới có 16,2% hộ gia đình có máy vi tính. Rất nhiều người dân chưa từng biết máy vi tính, Internet là gì. Một khi không có máy móc, thiết bị thì rất khó nói đến chuyện dùng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, còn nhiều lý do khác nữa như lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công, hoặc sự chưa rõ ràng về cơ quan có thẩm quyền chứng thực cho các hồ sơ pháp lý trên mạng,…
Quay lại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2012 với chủ đề "Phát triển CPĐT: Minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn" do Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu IDG tổ chức hồi tháng 7/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng đề xuất: “Các cơ quan Nhà nước cần tích cực để người dân tiếp cận nhiều hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích và cách sử dụng máy tính, kết nối Internet thì nên hình thành các "tụ điểm" tại xã, phường để người dân tiện khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cần nâng cao nhận thức để người dân từ chỗ không biết, ngại dùng đến mức biết sử dụng hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ của CPĐT".
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4, các cơ quan Nhà nước nên chú trọng hơn nữa tới việc tìm cách gia tăng số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nếu không giải quyết được “bài toán” người dùng, rất có thể sẽ có những vị lãnh đạo viện cớ để trì hoãn triển khai thêm những dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 khác và các cơ quan Nhà nước sẽ vấp phải tình cảnh “con gà - quả trứng”, không biết nên xây dựng dịch vụ công trực tuyến để chờ người dùng, hay chờ có nhiều người dùng mới triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hệ lụy là sẽ ảnh hưởng tới tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng CPĐT.
Mức 1: cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
Mức 2: cho phép tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức 3: điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ; các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.
Mức 4: Gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.
(Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT)