Trung tâm của chiến lược thúc đẩy CMCN 4.0 là chuyển đổi số

Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2017 có chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” được Hiệp hội Phần  mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 6/9/2017  tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, làn sóng CMCN 4.0 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo.

“Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu, phân tích về lợi ích to lớn mà Việt Nam sẽ thu được nếu bắt kịp xu thế của cuộc CMCN 4.0. Nhận định được tầm quan trọng, ngày 4/5/2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 thể hiện rõ sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ trong cuộc cách mạng này”, Bộ trưởng nói.

Trên cơ sở đó, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã có những bước đi cụ thể, quyết liệt nhằm từng bước tiếp cận CMCN 4.0. Điều này đã thể hiện qua việc nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành; nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức để trao đổi, thảo luận, nhận diện rõ CMCN 4.0 là gì, bắt đầu từ đâu, có thuận lợi gì và tác động như thế nào.

Đánh giá cao việc VINASA và các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT lựa chọn “Chuyển đổi số”  là chủ đề của Diễn đàn năm nay, Bộ trưởng cho rằng, đây không chỉ là một xu hướng công nghệ mà nội dung này còn là trung tâm của chiến lược thúc đẩy CMCN 4.0.

“Trong thời gian tới, với xu hướng “Chuyển đổi số”, thị trường CNTT&TT sẽ chứng kiến nhiều sự biến đổi vượt bậc và sẽ có những tác động to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống”,  Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đã một lần nữa minh chứng sự đúng đắn, sáng suốt trong định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, cuộc CMCN 4.0 diễn ra với sự hội tụ của nhiều công nghệ, trong đó cốt lõi là CNTT-TT với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ, công nghệ trên nền tảng Internet. Chính sự phát triển vượt bậc này đã dẫn đến xu hướng “Chuyển đổi số” diễn ra thời gian gần đây.

Phát triển an toàn an ninh số có tầm quan trọng đặc biệt

Chia  sẻ về phương hướng hoạt động của Bộ TT&TT trong chặng đường tới, Bộ trưởng cho hay, để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc “Chuyển đổi số” này, thời gian tới, Bộ TT&TT dự định sẽ triển khai một loạt hoạt động, tập trung vào một số chủ đề: Nhận thức về Việt Nam  với 4.0; Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh; Thành phố thông minh-Smart City; Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; an toàn, an ninh trên thế giới  số và sự giao thoa an toàn an ninh với hiện tại.

Trong đó, với vấn đề nhận thức về Việt Nam với 4.0, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT mong muốn, cần có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp trong việc tăng cường truyền thông về CMCN 4.0 để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về cơ hội cũng như thách thức của CMCN 4.0 tới đời sống xã hội Việt Nam.

Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng cần phải là đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy CMCN 4.0. Cụ thể là, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và phát triển năng lực CNTT quốc gia để từ đó làm chủ, đáp ứng được yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Coi việc thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực. Chú trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT vào đời sống, trong các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là khối cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cơ hội cũng  như thách thức trong kỷ nguyên “Chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, phải xây dựng các chính sách cơ chế và các giải pháp, nhất là những giải pháp có tính đột phá để khai thác, huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó đề xuất chính sách cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi.

“Chúng ta cũng phải sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Bộ TT&TT cam kết sẽ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; đặc biệt sớm sửa đổi Luật CNTT; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử… để đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đối với vấn đề nhân lực số, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng chỉ  rõ, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội nhằm xây dựng dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.

Cùng với đó, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra những công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh; xem xét, xây dựng và phát triển chính sách nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo và khởi nghiệp trong mỗi người dân.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ cùng với Bộ GD&ĐT, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp CNTT xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT đảm bảo chất lượng, trình độ theo kịp các quốc gia trên thế giới.

“Bộ TT&TT sẽ tích cực phối hợp cùng với doanh nghiệp, đơn vị trên toàn quốc để thực hiện tổ chức các buổi hội thảo, cập nhật kiến thức, xây dựng các phòng thí nghiệm (LAB) về CNTT cho các kỹ sư trẻ cũng như đội ngũ sinh viên. Mục tiêu hướng tới nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ và những sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh trên thế giới số, Bộ trưởng phân tích: “CMCN 4.0 và thành phố thông minh (Smart City) đều được vận dụng trên thế giới số. Điều này đồng nghĩa với việc tác động của thế giới số đến thế giới thật và ngược lại cả về mặt lợi ích và nguy hại. Do vậy, việc phát triển an toàn an ninh số cũng có tầm quan trọng đặc biệt và liên kết với an toàn, an ninh thành phố. Cần tổ chức các đơn vị an toàn, an ninh số đồng hành với đơn vị hành chính để đảm bảo sự thông suốt và phòng chống tác hại gây mất an toàn, an ninh đến người dân và các nền kinh tế”.

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện chuyển đổi số phải được thực hiện theo giai đoạn cụ thể trong đó sẽ hoạch định các phần việc của các giai đoạn ngắn trước mắt và những giai đoạn tiếp theo. Ví dụ như, trong giai đoạn 1 – giai đoạn tạo nền tảng và quan sát  ứng dụng, cần tập trung vào phát triển nền tảng về cơ sở hạ tầng và cơ sở lý luận, luật pháp, hành chính tạo điều kiện cho các giai đoạn sau; hỗ trợ giới luật và quan sát sự phát triển tất yếu của các ứng dụng thời đại mới tự phát bởi các công ty các ngành hiện tại.

Còn với giai đoạn 2 - Kết nối và phát triển hệ sinh thái cho ứng dụng mũi nhọn, đồng thời tối ưu hạ tầng, khi cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, Nhà nước, Chính phủ chủ động đưa các ngành chủ đạo lên CMCN 4.0 bằng việc đầu tư công nghệ sau khi đã lựa chọn sàng lọc ở giai đoạn trước; mở cửa cơ sở hạ tầng để tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng nhằm tăng hiệu quả ứng dụng, đồng thời quản lý được hoạt động của hệ sinh thái có định hướng mũi nhọn; kết nối tích hợp các ứng dụng theo yêu cầu về an toàn và quản lý.

Bộ trưởng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, để tận dụng tốt những thuận lợi và vượt qua được các thách thức trong công cuộc “Chuyển đổi số”, sự tham gia ủng hộ tích cực của cộng đồng các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT&TT là hết sức quan trọng.

"Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng các chuyên gia, doanh nghiệp nỗ lực, tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động thúc đẩy ứng dụng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT&TT tại Việt Nam; nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 nhằm mục tiêu thực hiện thành công Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng đề nghị.

Dù cuộc “chuyển đổi số” này vẫn đang trong những bước đầu tiên nhưng lại hết sức quan trọng đối với các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam. Do đó, việc trao đổi, thảo luận, nghiên cứu kĩ lưỡng những thuận lợi và tác động của xu hướng này là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành phối hợp với VINASA và cộng đồng doanh nghiệp CNTT&TT cùng toàn thể xã hội. Bộ TT&TT khuyến khích các cuộc thảo luận, chia sẻ kiến thức, cũng như định hướng phát triển của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để hỗ trợ Việt Nam bắt kịp xu thế của CMCN 4.0; tiếp tục phát huy, đưa ra được những khuyến nghị có giá trị vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT.