Trong 3 ngày từ 9 - 11/5/2018, tại TP.HCM, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức chương trình tập huấn và hội thảo triển khai IPv6 dành cho cơ quan nhà nước. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 nhân Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, giai đoạn 3, từ năm 2016 đến 2019, là giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6. Để hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy trên nền tảng công nghệ IPv6 kể từ năm 2019, việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Đại diện VNNIC cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 mà Ban công tác đặc biệt quan tâm là tăng cường triển khai IPv6 cho ứng dụng CNTT của khối cơ quan Nhà nước. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 15, Thông tư 32 ngày 15/11/2017 của Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với Trang/ Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, DNSSEC phù hợp với lộ trình ứng dụng IPv6 theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.VN”.

"Trên cơ sở đó, khối cơ quan nhà nước cũng cần chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin và các dịch vụ công trực tuyến, bắt kịp theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6", đại diện VNNIC cho biết.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tốt. Tính đến đầu tháng 5/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 14% với hơn 6.000.000 người dùng IPv6, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 khu vực châu Á.

Đối với kêt quả triển khai IPv6 cho mạng cơ quan nhà nước, tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 27 Website của các cơ quan nhà nước, trong đó có 19 Website dưới tên miền “GOV.VN” đã hoạt động với IPv6. Trong đó, tiêu biểu là Cổng thông tin của Bộ TT&TT, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, 8 Văn phòng và Chi cục thuộc Sở TT&TT Bình Dương.

Đối với mạng Truyền số liệu chuyên dùng, trong năm 2018, Cục Bưu điện Trung ương - Bộ TT&TT đang tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho khối Bộ, ngành; phối hợp các đơn vị chuyên trách CNTT của một số khối Bộ, ngành kích hoạt IPv6 trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Những đơn vị có Cổng thông tin riêng của Bộ TT&TT như Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện... cũng đang nghiên cứu, chuyển đổi sang IPv6 cho Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến. “Việc triển khai ứng dụng IPv6 cho khối cơ quan nhà nước bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực”, đại diện VNNIC nhận định.

Được tổ chức với mục tiêu tiếp tục tăng cường triển khai IPv6 cho ứng dụng CNTT của khối cơ quan nhà nước tại khu vực miền Nam, chương trình tập huấn triển khai IPv6 diễn ra trong 2 ngày 9/5 và 10/5/2018 dành cho các cán bộ kỹ thuật quản lý, quản trị mạng, hệ thống. Chương trình này cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản, các tình huống chọn lọc đã được triển khai, áp dụng thành công trên thực tế trong quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ hoàn chỉnh trên nền tảng công nghệ IPv6. Qua đó, các học viên có thể áp dụng để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình.

Cùng với đó, hôm nay, ngày 11/5, chương trình hội thảo triển khai IPv6 cho cơ quan nhà nước đã được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo của các Sở TT&TT, lãnh đạo các Trung tâm CNTT của tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, lãnh đạo Cục Bưu điện Trung ương và các cán bộ quản lý hạ tầng CNTT các cơ quan nhà nước tại địa phương. Hội thảo đã tạo cơ hội, diễn đàn trao đổi thảo luận về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, triển khai xây dựng đề án, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi IPv6 ở các cơ quan nhà nước tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế, kế hoạch ứng dụng CNTT của đơn vị và lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia.