Tình trạng này có lẽ chỉ có thể “thuyên giảm” khi có những công cụ giám sát minh bạch, hiệu quả.

>> Khi các quan né sốc...về hưu

>> Biệt thự quan chức và những 'kẽ hở'

>> Biệt thự quan chức: Vòng vo khó tránh nghi ngờ

>> Biệt thự 'khủng', hàng xa xỉ và những câu hỏi

>> Nghĩ từ những biệt thự của quan chức về hưu

"Trước ta để bên Tư pháp có quyền cải chính tuổi, thành ra mấy ông cán bộ cứ ăn gian. Nếu tôi làm tổ chức, tôi không bao giờ đề bạt những người đi xin giảm tuổi để ngồi chiếm ghế”. Đây là ý kiến của ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đối với luật quy định việc cải chính tuổi tại buổi thảo luận tại tổ về bộ luật Dân sự sửa đổi sáng 10/6.

Những lo ngại về chuyện “ăn gian”, “xin giảm tuổi để ngồi chiếm ghế” của đại biểu này không hề vô căn cứ.

Anh làm thủ trưởng nên… ít tuổi hơn em ruột

Chẳng hạn, trường hợp ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Longcó thể xem là điển hình cho nạn cán bộ ta trẻ lại bất thường. Theo giấy CMND được cấp năm 2007, ông Minh sinh năm 1958. Sau đó ông Minh được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Vũng Liêm thì năm sinh của ông Minh trong hồ sơ cán bộ cũng thay đổi, từ năm 1958 thành ra năm 1962, tức giảm đi 4 tuổi.

Khôi hài là em ruột ông Minh làm bảo vệ cũng tại Chi cục thuế này lại sinh năm 1960, tức là hơn ông Minh… tới 2 tuổi. Chuyện “anh làm thủ trưởng nên ít tuổi hơn em ruột” ban đầu cũng bị dị nghị ở cơ quan, sau dần thành quen. Mãi sau này bị Thanh tra, mới lộ ra và chuyển qua Ban tổ chức làm rõ.  

 

{keywords}

Còn mới đây, phó chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang, ông Lê Khả Đoàn cũng “bị lộ” khai gian trẻ lại 3 tuổi!  Theo xác minh của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang, năm  2011, ông Đoàn xin làm lại giấy khai sinh và “hạ” năm sinh từ 1955 thành 1958. Sau đó, lấy giấy khai sinh để điều chỉnh hộ khẩu, CMND, bằng tốt nghiệp đại học.

Kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang nêu rõ: “Ông Đoàn đã sử dụng các giấy tờ sinh ngày 30/6/1955 gần 37 năm qua, nay xin điều chỉnh giảm đi 3 tuổi trong thời điểm gần đến tuổi nghỉ hưu gây dư luận không tốt trong nội bộ và ngoài xã hội, làm ảnh hưởng đến tổ chức và uy tín cá nhân”.

Trong một bài phỏng vấn năm 2013, LS Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, nhìn nhận: “Trong thời gian qua, hiện tượng “rửa” năm sinh, khai man lý lịch đang xảy ra ngày càng phổ biến, báo chí đã nêu ra nhiều vụ việc. Tôi nhận thấy hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi nhưng chủ yếu tập trung ở những độ tuổi gần về hưu và đối tượng là những người có chức, có quyền”.

Chưa có con số thống kê con số cán bộ thích “trẻ mãi không già”, nhưng qua những vụ việc bị phát hiện, người ta có thể tổng kết ra “mẫu số chung” của các vị này. Đó là sắp tới lúc bổ nhiệm lại hoặc sắp tới tuổi nghỉ hưu, họ “hô biến”, lập tức hồ sơ cán bộ của họ giảm đi vài tuổi. Thế là lại tiếp tục giữ ghế thêm vài năm. “Chiêu” này cũng thuộc hội chứng mà dư luận gọi là “Hội chứng trốn nghỉ hưu”.

Yêu nước hay yêu ghế?

Thời chiến tranh, để được đi bộ đội, nhiều thanh niên đã khai tăng tuổi, bỏ đất đá vào túi để tăng cân cho đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, được ra chiến trường đánh giặc. Nhiều cán bộ lão thành Cách mạng còn sống là những trường hợp này. Trong bối cảnh nước mất nhà tan, toàn dân tộc đứng lên đánh giặc, thì việc “khai khống” tăng tuổi để được đi đánh giặc chính là thể hiện lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc.

Nay thời bình, không còn giặc giã, không còn gian lao hiểm nguy, xã hội ta trở lại trạng thái thăng bằng, bình thường để xây dựng và phát triển đất nước, những việc làm “bất thường” như khai tăng tuổi không còn cần thiết. Thế nhưng, giờ lại có những người khai giảm tuổi nhằm mục tiêu cá nhân.

Ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng so sánh: “Ngày xưa đi Cách mạng là biết trước và chấp nhận “Gươm kề tận cổ, súng kề tai”. Còn giờ đây, hoàn cảnh đất nước có nhiều thuận lợi hơn, đời sống đã đổi thay. Môi trường khốc liệt để thử thách, rèn luyện không còn nữa, thế nên, “một bộ phận không nhỏ” kẻ cơ hội, tha hóa, đã chui lọt vào làm “quan Cách mạng”.

Một trong những hậu quả của nạn “chạy chức chạy quyền” là tham quyền cố vị, ra sức duy trì “ghế” để thu lợi, hưởng thụ. Và “rửa tuổi” cũng là một biểu hiện như thế! Tình trạng này có lẽ chỉ có thể “thuyên giảm” khi có những công cụ giám sát minh bạch, hiệu quả đối với những quyền lợi, đồng thời với đó là những ràng buộc trách nhiệm cá nhân rõ ràng, chặt chẽ đi kèm theo từng “cái ghế”!

Duy Chiến