
Quyết định hoãn thuế đối ứng 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thổi bùng hy vọng, xua tan bầu không khí u ám trước đó.
Tăng bùng nổ
Sáng 10/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một phiên giao dịch không thể quên, khi chỉ số VN-Index tăng vọt gần 73 điểm chỉ trong chưa đầy hai giờ giao dịch, tương đương mức tăng hơn 6,6%, chạm mốc 1.166 điểm tính đến 9h50. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua mọi kỷ lục trước đó. Đà tăng này đến sau bốn phiên lao dốc liên tiếp, khi VN-Index mất khoảng 13-14% giá trị do lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang.
Không chỉ VN-Index, các chỉ số khác cũng đồng loạt bứt phá ngoạn mục. VN30, nhóm 30 cổ phiếu trụ cột, tăng 6,9%, với tất cả các mã đều chạm mức trần và "trắng bên bán". HNX-Index ghi nhận mức tăng gần 7,9%, tương đương hơn 15 điểm, trong khi HNX30 tăng tới 9,5%, đạt 403,65 điểm. Upcom-Index cũng không nằm ngoài xu hướng, với mức tăng ấn tượng 9,4%. Thanh khoản thị trường đạt mức cao kỷ lục ngay từ đầu phiên, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư sau chuỗi ngày hoảng loạn.
Sự hồi phục thần tốc này được kích hoạt bởi thông báo bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/4, khi ông tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với hơn 75 quốc gia, chỉ duy trì mức thuế cơ bản 10%.
Quyết định này, được đăng tải trên nền tảng Truth Social của ông Trump, đã ngay lập tức lan tỏa tín hiệu tích cực đến các thị trường tài chính toàn cầu, từ chứng khoán Mỹ, tiền số, đến giá vàng và dầu mỏ.
Đối với Việt Nam, nơi thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn lao dốc vì áp lực thương mại, đây là cơ hội để nhà đầu tư thở phào và tận dụng nhịp hồi phục.
Các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng thương mại trước đó như dệt may, thủy sản, và gỗ đã dẫn đầu đà tăng. Các mã lớn như VNM (Vinamilk), HPG (Hòa Phát), hay VCB (Vietcombank) đều tăng kịch trần, kéo chỉ số chung đi lên mạnh mẽ. Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đồng loạt bắt đáy, đẩy lực cầu lên mức cao chưa từng thấy.
Chỉ sau ít phút đầu phiên ATO, thị trường đã ghi nhận hơn 310 mã tăng điểm, trong đó có đến 250 mã tăng trần. Hàng loạt các tên tuổi lớn nhóm tài chính như: Techcombank, SHS, MBB, ACB đều tăng kịch trần. Nhóm bất động sản cũng tăng hết biên độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nhịp tăng này mang tính kỹ thuật nhiều hơn, xuất phát từ tâm lý hưng phấn ngắn hạn sau thông tin tích cực từ Mỹ, chứ chưa phải dấu hiệu của sự phục hồi bền vững.

Còn tiềm ẩn rủi ro
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB từ chiều 9/4 cho rằng, sau 4 phiên giảm “cơ bản force sell (bán giải chấp”, cross sell (bán chéo) đã xong.
Tuy nhiên, cú lội ngược dòng tăng kịch trần của hầu hết các cổ phiếu vào sáng 10/4 là điều ít người nghĩ tới sau động thái bất ngờ hoãn thuế đối ứng 90 ngày của ông Donald Trump.
Trước đó, rạng sáng 10/4, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một phiên giao dịch lịch sử với chỉ số Dow Jones tăng vọt 2.962,86 điểm, tương đương 7,87%, đóng cửa ở mức 40.608,45 điểm - mức tăng trong ngày lớn thứ ba kể từ Thế chiến thứ 2. S&P 500 tăng 9,52% lên 5.456,9 điểm, trong khi Nasdaq nhảy vọt 12,16% lên 17.124,97 điểm, lập kỷ lục tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.
Hầu hết các thị trường tài chính, hàng hóa đều diễn biến tích cực.
Cú hồi phục của chứng khoán Việt Nam vào sáng 10/4 là theo đà chung và đã được dự báo sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ thế giới.
Có thể thấy, việc tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày của ông Trump là một "liều thuốc" kịp thời để xoa dịu các thị trường. Đối với Việt Nam, vốn đứng trước khả năng chịu mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ, đây là cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp thương lượng nhằm giảm bớt áp lực.
Với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể chứng minh sự cân bằng thương mại để tránh các biện pháp thuế khắc nghiệt hơn sau 90 ngày. Tuy nhiên, thời gian 90 ngày không phải dài để đạt được một thỏa thuận lâu dài.
Dù áp lực tạm thời được giải tỏa, rủi ro tiềm ẩn vẫn rất lớn. Thứ nhất, nếu Mỹ-Trung không đạt được thỏa thuận và căng thẳng leo thang, sẽ kéo theo biến động mạnh trên thị trường tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam, với vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng, sẽ không tránh khỏi tác động.
Thứ hai, sự khó lường trong chính sách của chính quyền ông Trump khiến khiến sự bất định và biến động tiếp tục là đặc trưng của của các thị trường tài chính và hàng hóa.
Cú tăng dữ dội sáng 10/4 của chứng khoán Việt Nam, dù ấn tượng, được đánh giá là mang tính kỹ thuật, phản ánh tâm lý hưng phấn hơn là tín hiệu phục hồi bền vững. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, thông thường đây là cơ hội để cơ cấu danh mục, giảm thiểu rủi ro trước bối cảnh còn nhiều bất ổn.
