Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO) đã thông qua triển khai phương án phát hành hơn 257 triệu cổ phiếu. Với phương án này, CEO dự kiến huy động hơn 2.500 tỷ đồng. CEO cũng công bố chi tiết về kế hoạch sử dụng số tiền nghìn tỷ này.
Cụ thể, CEO sẽ chào bán gần 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Với cả hai phương án phát hành, với giá bán 10.000 đồng/cp, nếu thành công CEO thu về gần 2.522 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 51 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu ESOP.
Tổng số tiền thu được hơn 2.573 tỷ đồng, CEO sử dụng 800 tỷ đồng để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng 1.556 tỷ đồng vốn cho các công ty con và bổ sung 217,4 tỷ đồng vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, CEO bổ sung vốn cho 5 công ty con, bao gồm 1.000 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn, 200 tỷ đồng cho Công ty TNHH C.E.O Quốc tế, 200 tỷ đồng CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang, 105 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc và 51 tỷ đồng cho CTCP Xây dựng C.E.O.
Đà lao dốc cổ phiếu CEO ghi nhận giảm 68% so với mức đỉnh từ hồi đầu năm xuống còn 27.000 đồng/cp sau khi kết thúc phiên ngày 5/7. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm gần 41% tính đến ngày 5/7.
Tại CEO, ông Đoàn Văn Bình đang là cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ trực tiếp 70,5 triệu cổ phiếu CEO, tương đương tỷ lệ 27,4% vốn điều lệ. Tuy nhiên, so với đầu năm 2022, khối tài sản của đại gia người Hà Nam ghi nhận mức sụt giảm mạnh, tới gần 61%, cùng đà lao dốc của cổ phiếu CEO từ mức 85.100 đồng/cp phiên ngày 4/1 xuống chỉ còn 27.000 đồng/cp kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của ông Bình trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 1.950 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2021, CEO ghi nhận doanh thu đạt 902 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Nhờ doanh thu tài chính tăng vọt, doanh nghiệp bất động sản này lãi ròng 82 tỷ đồng, khả quan hơn khoản lỗ 103 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Dù vậy, dòng tiền kinh doanh của CEO vẫn âm tới 167 tỷ đồng do sự gia tăng của các khoản phải thu và chi phí lãi vay. Vì vậy, đơn vị này cũng dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2021.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh, quý 1/2022, Tập đoàn CEO ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 293 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh khi đạt gần 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 38 tỷ đồng.
Năm 2022, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,4 lần và gần 3,7 lần kết quả thực hiện năm 2021. Như vậy, sau quý I/2022, doanh nghiệp mới thực hiện được gần 10% mục tiêu doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trước đó, ngày 20/4/2021, cổ phiếu CEO bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm trước đó trên báo cáo tài chính hợp nhất của C.E.O Group âm 67 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2021 của CEO, doanh nghiệp đã lấy trụ sở là tòa tháp C.E.O đi thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng BIDV, giá trị còn lại thời điểm giữa năm 2021 gần 134 tỷ đồng.
CEO là doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất giá trị, lên đến 962,1 ha, chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng. Quỹ đất của CEO tập trung ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha) là những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển và khai thác. Nhưng do thiếu quy mô vốn đầu tư nên khả năng triển khai dự án của doanh nghiệp còn hạn chế.