Thị trường chứng khoán ghi nhận thêm một phiên giảm điểm mạnh ngày 8/4 với áp lực bán diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu từ ngân hàng, chứng khoán cho đến thép và các nhóm cổ phiếu nóng. Nhiều cổ phiếu giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm khá mạnh với gần như tất cả các mã giảm giá. BIDV giảm 1.150 đồng xuống 41.900 đồng/cp; Sacombank giảm 900 đồng xuống 31.000 đồng/cp; TPBank giảm 800 đồng xuống 40.200 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và bán lẻ cũng giảm nhanh. Thế Giới Di Động (MWG) giảm 5.000 đồng xuống 150 nghìn đồng/cp; Masan (MSN) giảm 2.500 đồng xuống 148.500 đồng/cp. Chứng khoán SSI giảm 1.050 đồng xuống 43.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Chứng khoán VIX thậm chí giảm sàn 1.500 đồng xuống 20.400 đồng/cp.
Trong nhóm vật liệu xây dựng, cổ phiếu Tôn Hoa Sen (HSG) giảm hết biên độ, mất 2.450 đồng xuống 32.850 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh. Tập đoàn Kinh Bắc (KBC) giảm sàn 3.500 đồng xuống 48.500 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục lao dốc, với FLC và ROS giảm sàn. Nhóm trong hệ sinh thái Gelex như GEX, MHC, VGC cũng đồng loạt giảm hết biên độ cho phép.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sụt giảm, trong đó có GAS và PLX.
Áp lực bán tăng mạnh trong phiên chiều, trong khi sức cầu yếu ớt khi mà sự thận trọng lên cao. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên.
Nhìn chung, thị trường ghi nhận các nhóm cổ phiếu từ large cap, mid cap cho đến small cap đều kém tích cực.
Bộ Công an vừa đề nghị 8 ngân hàng VCB, TCB, STB, VPBank, BIDV, VIB, SHB, NCB cung cấp hồ sơ về việc hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch... liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn FLC để phục vụ công tác điều tra trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán".
Ở chiều ngược lại, thị trường ghi nhận một số điểm sáng hiếm hoi như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Novaland (NVL), VietJet (VJC), VnDirect (VND), DIG…
Cổ phiếu VIC tăng giá sau khi VinFast thông báo đã gửi hồ sơ đăng ký cho Uỷ ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) liên quan đến chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 20,35 điểm xuống 1.482 điểm; HNX-Index giảm 9,58 điểm xuống 432,02 điểm. UPCom-Index giảm 1,96 điểm xuống 113,84 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt khoảng 28 tỷ đồng.
Khối ngoại tiêp tục bán ròng hơn 300 điểm, tập trung vào Sacombank, Vinhomes, Gelex, Vinamilk…
Mặc dù giảm giá, nhiều đánh giá cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tích cực về dài hạn và có thể lập đỉnh mới trong năm nay.
Theo BSC, VN-Index có thể hướng tới 1.600 điểm ở kịch bản tích cực sau khi chỉ số này vượt lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530. Kịch bản thứ 2, VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.
M. Hà
Tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đến 31/03, nhiều mã cổ phiếu vẫn chưa đưa nhà đầu tư "về bờ".Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư vàng lại đang "rủng rỉnh" lợi nhuận.