Sôi động lãnh đạo, người thân chi mạnh mua cổ phiếu
Nhiều lãnh đạo và người thân tại các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam chi nghìn tỷ để mua cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, giá cổ phiếu tăng nhanh, giảm sâu. Dòng tiền đổ vào kênh đầu tư chứng khoán khá dồi dào, trong khi các doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Chiều 18/8, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam đăng ký mua hơn 16 triệu cổ phiếu VHM (Vinhomes) trong khoảng thời gian từ 21/9-20/10. Lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp này đăng ký mua tương đương 0,37% vốn của Vinhomes. Vinhomes là doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup.
Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là doanh nghiệp của gia đình ông Phạm Nhật Vượng. Doanh nhân gốc Hà Tĩnh này nắm giữ gần 93%. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang làm Chủ tịch và vợ bà Phạm Thu Hương đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.
Với mức giá như hiện tại, doanh nghiệp của gia đình ông Vượng có thể sẽ phải chi ra khoảng 800 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Vượng đăng ký mua cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu bất động lớn nhất Việt Nam quay đầu giảm giá mạnh trong tháng qua, mất khoảng 22%. Trong phiên giao dịch 18/9, cổ phiếu VHM đã chính thức rớt xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/cp.
Sau thông tin tỷ phú Vượng đăng ký mua vào, VHM quay đầu tăng mạnh vào đầu giờ sáng 19/9 và tiếp tục mạnh trong phiên tiếp theo lên 50.700 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu khác họ Vin cũng tăng mạnh. Vingroup (VIC) trong phiên 20/9 tăng 1.800 đồng lên 53.500 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) tăng 500 đồng lên 28.100 đồng/cp.
Ngày 5/9 và 8/9, bà Hồ Thuỷ Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank (TCB) cũng đã chi khoảng 2.700 tỷ đồng để mua vào 82 triệu cổ phiếu TCB qua phương thức thỏa thuận và nâng lượng nắm giữ lên 104,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,97% vốn của ngân hàng này.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây cũng hút dòng tiền cho dù áp lực chốt lời giống như ở hầu hết các mã khác đều khá lớn. Phiên 20/9, cổ phiếu Techcombank tăng 450 đồng lên 34.350 đồng/cp.
Hoạt động mua cổ phiếu của các lãnh đạo hay người thân trong doanh nghiệp thường diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá.
Trong giai đoạn tháng 11/2022 khi thị trường chứng khoán giảm sâu, hàng loạt lãnh đạo, cổ đông lớn, người thân đăng ký mua vào một lượng lớn cổ phiếu tại các doanh nghiệp có cổ phiếu giảm mạnh như: Bất động sản Phát Đạt (PDR), Hoá Chất Đức Giang (DGC), Thế Giới Di Động (MWG), Thép Nam Kim (NKG), Nhà Khang Điền (KDH)…
Ở vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc lãnh đạo tung tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp mình. Có người cho rằng giá cổ phiếu giảm quá sâu và cơ hội mua vào có lãi là rất lớn, nhưng cũng không ít nghi ngờ.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán xác lập đáy vào tháng 11/2022. Không ít cổ phiếu đã tăng gấp 2-3 lần kể từ đó như trường hợp Thép Hòa Phát (HPG), DIC Corp. (DIG)…
Gần đây, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm khá mạnh sau đợt tăng kéo dài từ đầu năm. Nhiều người kỳ vọng TTCK vẫn trong xu hướng tăng giá khi thời kỳ tiền rẻ trở lại, lãi suất liên tục giảm và tiền bơm qua đầu tư công mạnh mẽ.
Dù vậy, vẫn có nhiều nhận định không tích cực về TTCK. Doanh nghiệp còn khó khăn, nền kinh tế hồi phục chậm. Lãnh đạo hay người thân nhiều doanh nghiệp vẫn mạnh tay bán ra mỗi khi cổ phiếu tăng cao.
Bán mạnh khi cổ phiếu lên đỉnh
Trái ngược với sự điều chỉnh của một số cổ phiếu bất động sản, một số mã cổ phiếu khác vẫn đi lên và lập đinh cao lịch sử. Đây cũng là thời điểm nhiều nhà lãnh đạo, người liên quan bán ra và thu tiền về trong bối cảnh xu hướng trên thị trường chứng khoán chưa rõ ràng.
CTCP FPT (FPT) vừa công bố thông tin thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo, một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT đã đăng ký bán 2,25 triệu cổ phiếu FPT với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.
Ông Bảo đăng ký bán cổ phiếu FPT trong khoảng thời gian từ ngày 21/9-20/10 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Mã này tăng mạnh trong thời gian vừa qua và lên đỉnh cao lịch sử 98.400 đồng/cp (giá điều chỉnh). Trong phiên 20/9, FPT tiếp tục nhích nhẹ lên 98.500 đồng/cp.
Nếu giao dịch thành công, ông Bảo sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT từ 1,13% xuống còn 0,95%, tương đương hơn 12,05 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Dư, vợ ông Bảo đăng ký mua 250.000 cổ phiếu FPT, qua đó tăng khối lượng sở hữu lên 276.220 cổ phiếu. Hai con ông Bảo - bà Đỗ Thị Ngọc Mai và ông Đỗ Bảo Dương cùng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu FPT.
Cổ phiếu FPT thậm chí còn được cho là sẽ hưởng lợi trong lĩnh vực phần mềm sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam gần đây và 2 nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI), ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc vừa đăng ký bán ra hơn 5,4 triệu cổ phiếu VCI trong khoảng thời gian từ 20/9-19/10 và có thể thu về khoảng 260 tỷ đồng với mục đích phục vụ nhu cầu cá nhân.
Ông Hoàn đăng ký bán cổ phiếu VCI sau khi cổ phiếu liên tục tăng giá trong 10 tháng qua. Kể từ đáy hồi trong tháng 11/2022, cổ phiếu VCI đã tăng hơn 2,8 lần và hiện lên 49.800 đồng/cổ phiếu.
Em rể ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng muốn bán hết hơn 10,7 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ từ ngày 14/9-13/10 (tương đương 1,74% cổ phiếu HSG đang lưu hành). Từ đầu năm, giá cổ phiếu HSG đã tăng gần gấp đôi.
Dòng cổ phiếu chứng khoán gần đây hấp dẫn các NĐT với kỳ vọng hệ thống KRX do Hàn Quốc hỗ trợ sẽ vận hành vào cuối năm, mang đến nhiều sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho TTCK. Đơn cử như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn...; tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi....
Dù vậy, hoạt động chốt lời khá vẫn lớn khi các cổ phiếu đã có một khoảng thời gian tăng mạnh kéo dài. Hiện, một số vấn đề khiến nhiều người quan tâm, đặc biệt là tỷ giá USD/VND tăng mạnh và khối ngoại bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản khó sớm hồi phục khi dòng tiền vào kênh này rất lớn trong nhiều năm qua.
Gần đây, nhiều tổ chức dự báo TTCK Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của một đợt tăng giá kéo dài cả thập kỷ. Hầu hết các đánh giá nền kinh tế tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên dài hạn, vẫn có những đợt điều chỉnh giảm mạnh. Hoạt động chốt lời cũng là điều dễ hiểu.