Giá cổ phiếu Mai Linh hiện chỉ khoảng 3.000 đồng, tương đương một cốc trà đá. Để tồn tại trước sự cạnh tranh ngày càng lớn, đại gia này đang tính toán cải tổ lớn. Đó có thể là 'cuộc cách mạng' để vực dậy tên tuổi này.
Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLN) của ông Hồ Huy đã chốt họp Đại hội cổ đông bất thường vào đầu tháng 12 họp bàn về một loạt các nội dung quan trọng để tái cấu trúc để phát triển trong một môi trường đầy cạnh tranh.
Mai Linh sẽ xin ý kiến cổ đông để phát triển dự án “xe ôm công nghệ”, cạnh tranh với 2 ông lớn ngoại Uber và Grab. Mai Linh sẽ “tấn công” vào thị trường vận chuyển hành khách bằng xe máy, vốn là nơi được thị trường thống trị bởi Uber và Grab. Nước cờ tiếp theo trong chiến lược giành lại một phần thị trường vận chuyển, trong bối cảnh cả Mai Linh và Vinasun đều hụt hơi tại thị trường taxi truyền thống.
Một nội dung quan trong nữa là hợp nhất Mai Linh 3 miền: CTPC Mai Linh Miền Bắc (MLN), CTCP Mai Linh Miền Trung (MNC) và tập đoàn Mai Linh để trở thành 1 pháp nhân thống nhất để có sức mạnh và tính cạnh tranh cao hơn. Đây là một cuộc đấu không cân sức. Mai Linh đang gặp rất nhiều khó khăn vè tài chính lại phải bước vào một cuộc chơi lớn mà Uber và Grab đã từng “đốt tiền” rất nhiều để có được vị thế hiện tại.
Bất chấp các kế hoạch cải tổ lớn, giá cổ phiếu Mai Linh Miền Bắc (MLN) vẫn không thể đi lên, thậm chí còn giảm giá nhanh hơn.
Trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) sục sôi, tăng lên mức cao kỷ lục trong 10 năm qua với hàng loạt các mã cổ phiếu chủ chốt trên sàn đồng loạt ghi nhận mức giá cao kỷ lục mọi thời đại thì giá cổ phiếu MLN đã bốc hơi khoảng 50% trong vòng 6 tháng qua. Trong phiên giao dịch 23/11, cổ phiếu MLN tiếp tục giảm 3,2% xuống còn 3.000 đồng/cp.
Trong một nền kinh tế mà độ mở rất lớn, tính cạnh tranh ngày càng cao thì sự phân hóa trên TTCK ngày càng lớn.
Hàng loạt các cổ phiếu khác cũng đang đi xuống bất chấp TTCK đang sôi động chưa từng có. Các mã cổ phiếu HAG, HNG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, rồi nhóm vận tải biển… tiếp tục ì ạch hoặc giảm tiếp.
Trong phiên 23/11, TTCK tiếp tục chứng kiến rất nhiều mã cổ phiếu lớn tăng giá cho dù áp lực chốt lời đã xuất hiện. Cổ phiếu Vinamilk đứng ở mức tham chiếu, Sabeco (SAB) tăng nhẹ. Dòng tiền bắt đầu chuyển sang nhóm mid-cap với nhiều mã tăng nhanh như: VCG tăng 2,7%, DXG tăng 1,2%, DIG tăng 1,5%, VGC tăng trần…
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Theo CTCK BSC, dòng tiền vẫn đang xoay quanh các nhóm ngành thị trường chính như ngân hàng và chứng khoán và một số mã cổ phiếu lớn chứ chưa thực sự lan tỏa ra thị trường. Thị trường có thể còn những nhịp rung lắc mạnh.
Tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn đang được duy trì ở mức cao cũng sẽ là chỗ dựa tâm lý vững chắc khi lực cầu vẫn còn. Nhà đầu tư nên theo dõi thị trường cẩn thận khi trong những phiên sắp tới có thể còn những nhịp rung lắc mạnh, thời điểm mua/bán cổ phiếu trong phiên cũng rất quan trọng.
Còn theo CTCK VietinbankSc, một sự điều chỉnh là cần thiết trong xu hướng tăng của thị trường.
FPTS cho rằng, dòng tiền nóng vẫn đang xoay vòng và tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, VN-index tăng 1,04 điểm lên 933,7 điểm; HNX-Index tăng 0,89 điểm lên 110,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 54,26 điểm. Thanh khoản đạt gần 310 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 6,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú