Cổ phần hóa DNNN năm 2014: từ thách thức tới cơ hội

Năm 2014, có sự thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong động thái cổ phần hóa DNNN. Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường (cạnh tranh tự do, bình đẳng và hệ thống giá được thiết lập trên cơ sở chủ yếu là cung - cầu thị trường và cạnh tranh), Chính phủ đã tỏ ra quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trong 2 năm 2014-2015, phải cổ phần hóa được 532 DNNN (sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải CPH theo tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành thì số DNNN phải cổ phần hóa, thoái vốn tăng thêm 100 so với 432 DN như kế hoạch trước đó, ở mức 532 DN), tức là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình cổ phần hóa DNNN trước năm 2016. So với tốc độ cổ phần hóa cực kỳ chậm chạp của những năm trước, đặt trong bối cảnh cả nền kinh tế - cả khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp – đều gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nhiệm vụ cổ phần hóa 532 DNNN dường như là một thách thức to lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình.

Ba tình huống cổ phần hoá/ IPO tiềm năng trong thời gian sắp tới sẽ diễn ra ở Công ty dịch vụ viễn thông di động Việt Nam (MobiFone), Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Với giá trị sở hữu vào khoảng 3,4 tỷ USD, MobiFone hiện nắm giữ khoảng 21% thị phần thị trường điện thoại di động của Việt Nam. MobiFone và Vinaphone là hai công ty con (chiếm 19% thị phần) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Mặc dù MobiFone được dự kiến thực hiện cổ phần hoá từ năm 2005, nhưng Mobifone sẽ cổ phần hoá trước một phần cuối năm 2015 và Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 20% cổ phần.

Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) hiện là công ty hàng hải quốc doanh của Việt Nam. Vinalines đã gặp nhiều khó khăn tài chính sau sự kiện tham nhũng và khoản nợ lên tới 4 tỷ USD do tình trạng quản lý tài chính yếu kém. Để trả nợ, Vinalines đã phải bán cổ phần tại nhiều đơn vị của mình, bao gồm các cảng biển.

{keywords} 

Vinacomin gần đây đã hoàn thành thoái vốn trong lĩnh vực tài chính, bao gồm việc thoái vốn tại Công ty Bảo hiểm SHB, Ngân Hàng SHB, Công ty Bảo hiểm Hàng không, Công ty chứng khoán SHB và Công ty tài chính Vinacomin. Tính đến tháng 8/2014, Vinacomin đã cổ phần hoá được ba trong tám đơn vị thành viên. Năm đơn vị còn lại sẽ được cổ phần hoá năm 2015 bao gồm: Tổng công ty điện lực- than khoáng sản, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin, Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin, Công Ty TNHH MTV Cơ Khí Đóng Tàu - Vinacomin, và Công ty TNHH MTV Môi Trường-Vinacomin.

Có thể thấy, với dự báo đầy hứa hẹn về tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam cùng hàng trăm cơ hội từ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới đây, giới đầu tư nên tích cực tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội tốt nhất ngay trong năm 2015 này nhằm tối ưu hóa khoản đầu tư. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng nhờ đó có thêm cơ hội huy động vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Những hạn chế và giải pháp cổ phần hóa DNNN năm 2015

Quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN hiện chưa đạt được kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân: việc phê duyệt đề án tái cơ cấu còn chậm; thông tin hoạt động về các DNNN chưa được minh bạch; cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp còn yếu; thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu; tiến trình cổ phần hóa diễn ra hết sức chậm...

Để công cuộc cổ phần hóa DNNN diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, trong thời gian tới, các DNNN cần phải cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng, công khai chuẩn mực tài chính kế toán cũng như báo cáo chính xác các khoản nhận hỗ trợ từ Chính phủ, đồng thời sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi cổ phần hóa để tính lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; không định giá lại các khoản đầu tư tài chính khi thực hiện bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần...

Bên cạnh đó, để thu hút hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư vào quá trình mua cổ phần, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần nâng mức tỉ lệ cổ phần hoá, nhiều giao dịch có thể được cổ phần hóa ở mức 51% hoặc cao hơn nhằm mang lại giải pháp hai bên cùng có lợi cho cả nhà đầu tư và Chính phủ. Tình hình xã hội, kinh tế, môi trường ổn định và giá trị vẫn có thể được duy trì/ cải thiện cùng với quá trình cổ phần hoá thông qua việc xây dựng kế hoạch cẩn thận, thực hiện theo trình tự và bảo vệ các nhóm dễ tổn thương.

Ngày 27/01/2015, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.


Hoàng Trung