Có lẽ 5-10 năm vừa qua trong nền kinh tế để xẩy ra nhiều vụ việc làm thất thoát số tiền lớn, phải tính bằng ngàn tỷ. Có thể nói đó là điểm dừng rất đáng lo ngại của nền kinh tế.
Những mối quan hệ chằng chịt
Nhiều bộ ngành không hoàn thành nhiệm vụ vì đã để xẩy ra những vụ việc chấn động.
Cả nước bức xúc. Nghị trường nóng lên. Có đại biểu so sánh vụ Lã Thị Kim Oanh đã có một bộ trưởng phải từ chức và 02 thứ trưởng đã ra tòa. Nay Vinashin là một kiểu “Lã Thị Kim Oanh” nhưng được phóng đại lên khoảng 1.000 lần. thì không ai phải từ chức.
Ảnh minh hoạ |
Không chỉ có vụ Vinashin, Vinaline mà còn rất nhiều vụ nữa làm thất thoát hàng ngàn tỷ…thế mà cũng chẳng thấy quan chức nào xin từ chức hay kiểm điểm trách nhiệm. Ngay cả khi Quốc hội yêu cầu thành lập ủy ban lâm thời điều tra hay tạm dừng một vài chức vụ, cũng chỉ là lời nói ở nghị trường.
Sòng phẳng sai phạm thì phải kiểm điểm, phải qui trách nhiệm, phải từ chức đó là lẽ thông thường. Ở các nước phát triển, chính phủ rất nghiêm khắc đối với các thành viên của mình. Bộ nào để xẩy ra vụ việc nghiêm trọng phải cách chức người đứng đầu. Nếu không bị cách chức thì họ cũng xin từ nhiệm. Phải nghiêm từ người đứng đầu thì mới có kỷ cương phép nước.
Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Bỉ vừa qua đệ đơn xin từ chức sau khi thừa nhận đã không có những hành động thích hợp để ngăn chặn vụ khủng bố đã được báo trước. Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari đã chính thức xin từ chức để chịu trách nhiệm về một vụ bê bối tài chính. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tri thức Choi Joong-kyung, người phụ trách vấn đề năng lượng của Hàn Quốc đã đệ đơn xin từ chức sau khi để cho tình trạng mất điện gần đây gây ra sự hỗn loạn trên khắp đất nước. ..
Văn hóa từ chức của ta có thể nói là chưa có. Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng coi trọng chức tước. Có chức tước là quyền mà có quyền là có bổng lộc. “Mua quan bán tước” cũng vì lẽ đó.
Không những cá nhân đầu tư cho chức tước mà còn có chuyện nhóm người đầu tư đưa người lên. Đã có người “đàng mình” rồi thì sau kéo nhau lên. Ở ta chuyện một người làm quan cả họ được nhờ là thế. Và đó cũng là nguyên nhân sinh ra lợi ích nhóm. Cái bí ẩn của lợi ích nhóm, cái nguy hiểm của lợi ích nhóm là ở chỗ chẳng họ hàng, không đồng hương đồng khói thân quen nhưng hết lòng vì nhau, bảo vệ nhau “anh còn là tôi còn” cho nên kỷ luật một người trong đường dây là rất khó…
Họ tồn tại bằng cách dựa vào nhau. Bố trí cho nhau những dự án công trình, đưa con em của nhau lên. Bên ngoài tưởng như trong sáng nhưng bên trong là mớ dây nhợ chằng chịt con bạn con ta con các đồng chí mình…Vụ Trịnh Xuân Thanh chính là mớ dây chằng chịt đó mà Đảng ta đang gỡ.
Kỷ luật cũng là để phát triển
Chuyện thưởng phạt không phải là chuyện phong trào, chuyện đoàn thể thi đua… Thưởng phạt không đúng hoặc đúng, có tác động kéo lùi hoặc thúc đẩy sự phát triển.
Cách chức những người đang kéo lùi sự phát triển tức là để phát triển.
Cách chức những người chỉ đạo sai qui luật là để đi đúng qui luật
Xử lý đúng những sai phạm sẽ có tác dụng răn đe cảnh tỉnh. Trong những vụ án vừa qua, và đặc biệt là những sai phạm của các quan chức nhân dân đều nhìn vào. Họ nói có lấy lại được uy tín hay không cứ đợi Trung ương xử lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức đã quyết tâm phải xây dựng một chính phủ kiến tạo, một chính phủ liêm chính. Đó vừa là quyết tâm đồng thời cũng là mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, mạnh mẽ của đất nước.
Muốn đất nước phát triển trước hết phải bắt đầu từ các bộ ngành, các bộ ngành phải là đầu tầu cho sự phát triển. Các bộ ngành liêm chính sẽ là tấm gương liên chính và kéo sự phát triển.
Một chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, một chính phủ liêm chính, kiến tạo thì các bộ phải liêm chính, phải là nơi tiên phong cho kiến tạo. Không có cán bộ tham nhũng, nói một đường làm một nẻo, là biết xử phạt nghiêm minh hay khen thưởng bổ nhiệm đúng người đúng việc. Kỷ luật cũng là thúc đẩy cho sự phát triển.
Cái thời kỷ luật lấy đâu ra người làm việc còn không, khi một chính phủ liêm chính?
Quần chúng nhân dân rất giỏi, đừng sợ không có người thay thế.
Nguyễn Đăng Tấn