Hôm nay (3/12), Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu  (AVAR 2015) đã khai mạc tại Đà Nẵng. Đây là Hội nghị quy mô quốc tế về An toàn Thông tin đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề chính là “Kỷ nguyên Chiến tranh mạng - The Age of Cyber Warfare”. Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các vấn đề về chiến tranh mạng, mã độc gián điệp, tấn công và phòng thủ được đưa ra bàn luận với những phân tích chuyên sâu nhất.

Hội nghị có sự góp mặt của hơn 150 chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, các Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách An toàn Thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc lớn nhất thế giới như Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender, Huawei, Baidu,… Về phía Việt Nam có sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, Bộ, Ban ngành Nhà nước, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng… Hiệp hội VNISA, VNCERT, Tập đoàn Công nghệ CMC và các đơn vị khác thuộc khối doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư đến hội nghị. Trong bức thư gửi chào mừng hội nghị này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: "Việt Nam đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của tin tặc vào các website của Chính phủ, các doanh nghiệp để đánh cắp thông tin, dữ liệu. Vì vậy, tôi hy vọng thông qua Hội nghị này sẽ giúp cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam lắng nghe học hỏi và có được cái nhìn toàn diện về an ninh mạng của Việt Nam và toàn thế giới từ đó hiểu rõ tầm quan trọng của bảo mật thông tin. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia bảo mật trên thế giới hiểu rõ thông tin về bảo mật của Việt Nam"

Phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, cho biết, chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo mật. 2 tuần trước Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An toàn thông tin. Trước đó, Bộ TT&TT đã thành lập Cục an toàn thông tin để quản lý về lĩnh vực này. Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng kêu gọi, cùng nhau xây dựng không gian số an toàn.

Mở màn cho Hội nghị này, ông Mikko Hypponen, diễn giả diễn đàn An ninh mạng của NATO, một trong những “huyền thoại” về An ninh An toàn Thông tin của thế giới đã có những nhận định về bảo mật trên thế giới và Việt Nam.

Ông Mikko Hypponen nói rằng: "Nhiều người vẫn nghĩ Việt Nam có thể làm tốt hơn lĩnh vực an ninh mạng nhưng rất khó vì Việt Nam là một nước đang phát triển. Tuy nhiên, tôi không nghĩ vậy, Việt Nam thực sự giàu có về con người, về kỹ năng, bạn nên cảm giác điều đó. Như thế bạn đã có thể trang bị đầy đủ để nhìn thấy các vấn đề. Việt Nam có nhiều điều có thể cải tiến cho an ninh mạng và cho người sử dụng Internet. Trong hơn 25 năm qua tôi đã làm việc với máy tính, và hiểu rằng để phòng chống các cuộc tấn công thì cần phải hiểu những kẻ tấn công là ai, họ đến từ đâu… để có thể chuẩn bị nguồn lực cho các cuộc tấn công này".

Điểm mặt về các xu hướng bảo mật hiện nay, ông Mikko Hypponen đã chia làm 5 nhóm khác nhau. Trong đó có nhóm tấn công vào tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân để kiếm tiền, hàng nghìn hàng triệu USD. Mới đây, xuất hiện thêm nhóm tấn công là các tên khủng bố công nghệ cao.

Ông Mikko Hypponen nhấn mạnh đến nhóm tấn công có hậu thuẫn của Chính phủ. Nhóm này phát triển các phần mềm mã độc khác nhau và vận hành rất thông minh.

"Tôi cũng ngạc nhiên nhóm tấn công có hậu thuẫn của Chính phủ bắt đầu quan tâm tới các hệ thống mã độc. Các hệ thống này được viết bởi nhiều nước, nhiều Chính phủ khác nhau", ông Mikko Hypponen nói.

Tại hội nghị, ông Mikko Hypponen cũng đã đưa ra dẫn chứng về những văn bản của các bộ ngành ở Việt Nam được gửi dạng bản PDF nhưng có kèm mã độc. Điều này thực sự là mối lo ngại cho Việt Nam trước vấn đề bảo mật. "Ví như như một file PDF của các Bộ ngành Việt Nam đã bị lợi dụng cài mã độc trong 1 vài tháng trước. Tôi không biết ai đã gửi văn bản này đi. Nhưng chúng tôi biết chính xác đây là một file có mã độc. Nếu bạn vô tình mở file này ra thì mã độc đó sẽ xâm nhập vào máy tính của bạn. Và nó sẽ có cơ hội để chiếm quyền điều khiển máy tính của bạn. Đây là một số ví dụ về các văn bản của Việt Nam trở thành một công cụ để tấn công", ông Mikko Hypponen nói.

Ông cũng đề cập đến vấn đề bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin trước xu hướng Internet of things. Khi các thiết bị thông minh được kết nối Internet, thì các thiết bị đun nước hay nhà tắm… cũng bị tấn công. Trong khi đó những thiết bị thông minh này không thể chạy các phần mềm diệt virus thông thường mà phải chọn hệ thống bảo mật khác.

Trong thông điệp của ông Triệu Trần Đức, Chủ tịch AVAR 2015, Tổng Giám đốc Công ty CMC Infosec cũng nói rằng trong kỷ nguyên “vạn vật kết nối" không chỉ có máy tính, điện thoại mới bị nhiễm mã độc mà cả máy giặt, tủ lạnh kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận.

Phát biểu tại hội nghị này, đại diện CMC cũng đã điểm qua tình hình an ninh mạng của Việt Nam. Trong đó, có vấn đề về các ứng dụng được đính kèm mã độc. "Một số trò chơi trực tuyến của Trung Quốc đã được Việt hóa, nhưng có những "cổng hậu" làm cho mã độc lây lan. Họ biết cách chèn mã độc khi người dùng cài đặt trò chơi trên di động. Đối tượng này hoạt động theo giờ hành chính, thu thập thông tin của khách hàng, và tạo ra các mã độc. Toàn bộ hệ thống này phần lớn đặt ở Trung Quốc và đánh cắp tiền để chuyển về Trung Quốc với số tiền hàng triệu USD mỗi năm" đại diện CMC nói.